Ngày 8/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được 100% số đại biểu tham dự biểu quyết thông qua Nghị định phê chuẩn.

Việc ký kết và thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; đồng thời Hiệp định đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - thương mại của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong đó, Việt Nam và EU đã đưa ra các cam kết, nghĩa vụ nhằm đảm bảo môi trường (Chương 10 về Chính sách cạnh tranh).

Cụ thể, với mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng, các quốc gia cam kết:

  • Áp dụng pháp luật cạnh tranh để xử lý hiệu quả các hành vi phản cạnh tranh gồm: Các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, quyết định của hiệp hội doanh nghiệp và các hành vi phối hợp có mục đích hoặc tác động ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch cạnh tranh; Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của một hoặc nhiều doanh nghiệp; Tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp gây cản trở đáng kể đến cạnh tranh hiệu quả.
  • Duy trì cơ quan cạnh tranh, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi đầy đủ và hiệu quả pháp luật cạnh tranh, đảm bảo rằng các cơ quan này có đầy đủ chức năng, quyền hạn cần thiết để thực thi trách nhiệm của mình.
  • Thực thi pháp luật cạnh tranh một cách minh bạch, trên nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp trên thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
  • Tôn trọng nguyên tắc công bằng trong thủ tục tố tụng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp liên quan.
  • Tất cả các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước đều là đối tượng áp dụng của luật cạnh tranh các Bên.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương nhận định, với những cam kết về cạnh tranh toàn diện như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý, cơ chế để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư tại các nước thành viên trong môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, không phân biệt đối xử.

“Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu, nắm rõ các cam kết về cạnh tranh trong EVFTA để có thể bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong quá trình tham gia hoạt động thương mại, đầu tư tại các nước thành viên Hiệp định”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.