EVN SPC: Ứng dụng đồng bộ thành tựu, tăng tốc cùng con tàu Cách mạng 4.0

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) khẳng định sẽ không ngừng ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ và có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, ngành điện Việt Nam cũng đang nỗ lực tận dụng những cơ hội mà dòng chảy này đem lại.

Năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phê duyệt Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, kèm theo Quyết định số 290/QĐ-EVN ngày 06/11/2018.

Với vai trò là một trong những thành viên trụ cột của Tập đoàn, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) xác định rõ mục tiêu ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông dùng riêng (VTDR) và tự động hóa (TĐH) để cải tiến phương thức điều hành quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ đó góp phần xây dựng ngành Điện hiện đại là nội dung trọng tâm trong giai đoạn 2019-2022 có xét đến 2025.

Triển khai doanh nghiệp điện tử trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động

Nhằm tiếp cận các thành quả CMCN 4.0 để ứng dụng hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, từ năm 2018, EVN SPC đã và đang triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến tới cấp độ 4, đồng thời thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng.

Trong vận hành hệ thống, EVN SPC đã triển khai hệ thống SCADA, xây dựng các trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển từ xa tại các đơn vị, bước đầu xây dựng bản đồ GIS và dữ liệu lớn (Big data), từ đó xây dựng thành công một loạt các hệ thống ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả làm việc giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp trong Tổng Công ty như: Hệ thống Thông tin Quản lý Khách hàng (CMIS), Hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu đo đếm từ xa (MDMS), hệ thống Kiểm tra giám sát mua bán điện trong lĩnh vực kinh doanh; Hệ thống Quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện (PMIS), Hệ thống quản lý tính toán độ tin cậy lưới điện (OMS); Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA); Hệ thống GIS 110kV, GIS 220kV; Hệ thống giám sát an toàn qua hình ảnh trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật và an toàn;…

EVN SPC đã triển khai hệ thống SCADA, xây dựng các trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển từ xa tại các đơn vị, bước đầu xây dựng bản đồ GIS và dữ liệu lớn (Big data)
EVN SPC đã triển khai hệ thống SCADA, xây dựng các trạm biến áp không người trực, trung tâm điều khiển từ xa tại các đơn vị, bước đầu xây dựng bản đồ GIS và dữ liệu lớn (Big data)

 

Với Trung tâm Chăm sóc khách hàng là đầu mối vận hành hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), EVN SPC thời gian qua đã triển khai cung cấp 100% dịch vụ cung ứng điện trực tuyến đến khách hàng, đa dạng hóa kênh thông tin để tiếp nhận thông tin mọi nhu cầu về sử dụng sử dụng điện, sửa chữa sự cố về điện qua mạng internet, qua tổng đài, qua SMS và trực tiếp.

Các hoạt động như cấp điện mới, ghi chỉ số điện, thanh toán tiền điện hàng tháng hay công tác đấu thầu cũng được ứng dụng CNTT triệt để nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận và sử dụng điện an toàn.

Nhờ đó, hệ thống gần 8 triệu khách hàng của EVN SPC giờ đây được sử dụng hầu hết các dịch vụ chăm sóc qua nhiều kênh trực tuyến, đồng bộ một cách nhanh chóng và kịp thời.

Bên cạnh website dịch vụ sóc khách hàng với 100% dịch vụ cung cấp điện trực tuyến, trang web Tra cứu thủ tục cấp điện trung áp cũng được EVN SPC hoàn thiện là địa chỉ tổng hợp, cung cấp thông tin chi tiết về trình tự, thời gian xử lý các yêu cầu dịch vụ cấp điện trung áp của ngành Điện và kết nối liên thông đến trang web dịch vụ 1 cửa của Trung tâm hành chính công 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp điện đối với khách hàng, đồng thời hoàn thành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của ngành điện.

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ khách hàng

Trong thời gian tới, EVN SPC cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, chú trọng tới giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng như nghiên cứu ứng dụng Giải pháp trợ lý ảo trả lời tự động – Chatbot tích hợp tổng đài chăm sóc khách hàng CRM, đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo các chỉ tiêu kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn (thương phẩm, giá bán, tổn thất…).

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, EVN SPC hiện cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động nghiên cứu hành vi, nhu cầu, xu hướng của khách hàng dùng điện (qua nhiều kênh internet, mạng xã hội…), cùng với đó là hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên kết với các hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS của khách hàng, đồng bộ với hệ thống GIS quản lý kỹ thuật của ngành Điện, hệ thống thu thập công tơ từ xa, hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS và hệ thống thông tin hành chính công của các tỉnh, thành phố.

Năm 2019, ngành Điện lực miền Nam sẽ chú trọng tới ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao chất lượng toàn hệ thống
Năm 2019, ngành Điện lực miền Nam sẽ chú trọng tới ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao chất lượng toàn hệ thống

 

Trong quản lý kỹ thuật và điều độ vận hành hệ thống điện, đại diện EVN SPC chia sẻ sẽ sớm xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tìm kiếm vị trí sự cố, chẩn đoán nguy cơ xảy ra sự cố các thiết bị (máy cắt, máy biến áp) trong hệ thống điện cùng hệ thống thu thập công tơ từ xa phục vụ theo dõi các thông số vận hành lưới điện và điều độ hệ thống điện để kịp thời xử lý các sự cố, vấn đề về điện trên toàn địa bàn ngay khi xảy ra.

Bên cạnh đó, ứng dụng Quản lý vận hành lưới điện trên di động sẽ là một giải pháp mới giúp người vận hành tại các Điện lực theo dõi trực tiếp các thông số vận hành; tiếp nhận các cảnh báo như quá tải, điện áp ngoài dải; tiếp nhận các phản ảnh sự cố mất điện từ khách hàng hoặc từ thiết bị cảnh báo mất điện, xác định vị trí sự cố trên bản đồ số.

“Với định hướng và cách tiếp cận theo lộ trình được Chính phủ, EVN đề ra, EVNSPC mong muốn dần dần đưa 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng ngày nhằm tăng năng xuất lao động, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao trong công tác sản xuất kinh doanh và cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp trong toàn Tổng công ty”, đại diện EVN SPC cho biết, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình công tác trong Doanh nghiệp thông qua ứng dụng CNTT, công nghệ số để tạo môi trường quản lý hiện đại và cải thiện quan hệ với khách hàng thông qua giao dịch điện tử trong thời gian tới.

Lê Hoa