Các năm 2019-2020:

Qua cân đối cân đối cung – cầu điện cho thấy, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sẽ phải huy động các nguồn điện chạy dầu, có giá thành sản xuất cao, với sản lượng khoảng 2,4 tỷ kWh năm 2019 và khoảng 4,5 tỷ kWh năm 2020.

Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo và/hoặc lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém và/hoặc nhiên liệu (than, khí) cho phát điện thiếu hụt so với dự kiến.

Giai đoạn 2021-2025

Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo đó sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm), mỗi năm công suất nguồn điện cần bổ sung tối thiểu 4.500-5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000-16.000 MW nếu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (do hệ số công suất sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thấp, chỉ từ 1.500-2.000h/năm).

Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án NĐ than, chuỗi dự án khí Lô B và khí Cá Voi xanh, nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).

Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng ~5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi xanh.