EVNNPC mở rộng đối tác thu hộ tiền điện

Tính đến hết tháng 7/2019, toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang kinh doanh bán điện cho 10.205.140 khách hàng sử dụng điện. Trong đó có trên 9,231 triệu khách hàng sinh hoạt và 980.809 khách hàng ngoài sinh hoạt.

Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện thực hiện nghĩa vụ tài chính, từ năm 2013 đến hết năm 2015, EVNNPC đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về việc tăng cường công tác triển khai thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho khách hàng.

Sản phẩm này sẽ giúp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thanh toán và đa dạng hóa hình thức thu tiền điện

 

Trước đây, EVNNPC đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng và 7 tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thu tiền điện, với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động, SMS & Mobile banking, Internetbanking, ví điện tử, thẻ ATM, ủy nhiệm thu - ủy nhiệm chi, thanh toán qua website CSKH EVNNPC…

Mới đây, EVNNPC vừa mở rộng kí hợp đồng hợp tác thu tiền điện với 3 đối tác: Công ty CP Thanh toán Quốc gia (NAPAS), Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (Ví điện tử MoMo), Công ty Công nghệ Vi mô (ví điện tử Vimo) và kí thỏa thuận mở rộng địa bàn thu tiền điện với 01 Ngân hàng: TMCP Phát triển TPHCM (HDBank). Như vậy EVNNPC đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian với tất cả các hình thức thu tiền: Thu tại quầy thu của ngân hàng, Internet banking, mobi banking, ví điện tử, ATM, trích nợ tự động, các quầy thu của các đối tác, các siêu thị, các quầy thu của Viettel…

Việc mở rộng thêm các ngân hàng và tổ chức trung gian thu hộ tiền điện nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trên toàn địa bàn thanh toán tiền điện một cách thuận lợi nhất. Đây cũng là giải pháp của EVNNPC nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn quản lý có số lượng khách hàng nông thôn, miền núi chiếm tỉ lệ lớn; cùng với đó là thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng là rào cản chính, đặc biệt với những khách hàng là người cao tuổi, chưa quen sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán điện tử.

Mặt khác, các phòng giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian chủ yếu tập trung khu vực thành phố, thị xã, thị trấn. Do đó, hạn chế trong việc tiếp cận với nhóm khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Một số đối tác trung gian chủ yếu triển khai việc thu bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá về thanh toán không dùng tiền mặt của ngành Điện cùng với ngân hàng và các đối tác chưa thực sự thu hút, thuyết phục khách hàng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 9,38 tổng số khách hàng, tương ứng chiếm 66% tổng doanh thu tiền điện của Tổng công ty.

EVNNPC cũng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt Tổng công ty đã giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng công ty điện lực, xây dựng kế hoạch và giám sát triển khai, chỉ đạo các đơn vị chủ động tăng cường truyền thông, tổ chức hội nghị giới thiệu các giải pháp thu tiền của các đối tác mới ký kết, đặc biệt với các đối tác có nhiều tiềm năng như Viettel và Zalopay, chủ động mở rộng hợp tác với các ngân hàng phù hợp theo đặc thù địa bàn quản lý bán điện.

Cùng đó, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, lựa chọn những giải pháp thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt mới như: Mã phản hồi nhanh (QR Code), mobile payment, công nghệ mPOS,... và nâng cấp các phần mềm liên quan như kho dữ liệu dùng chung, chấm xóa nợ để quản lý, kiểm soát công tác thanh toán tiền điện…với mục tiêu đưa tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 40% tương đương 4,08 triệu khách hàng vào cuối năm 2019.

Kim Ngân/EVNNPC