EVNNPT đẩy nhanh tiến độ các dự án

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), được đảm bảo kết nối, truyền tải công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ ổn định, an toàn, hiệu quả. Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

 

Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT

PV: Thưa ông, nhằm nâng cao chất lượng cũng như phát huy tối đa vai trò truyền tải, giúp giải tỏa công suất phát tại một số tỉnh đang dư thưa nguồn điện năng lượng tái tạo, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ thực hiện những kế hoạch nào trong năm 2022?

Ông Phạm Lê Phú: Để giải tỏa công suất các nguồn NLTT phát triển mạnh trong thời gian qua và thời gian sắp tới, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đề ra kế hoạch và đang tập trung triển khai các dự án đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (là các khu vực phát triển mạnh các nguồn NLTT). Cụ thể đối với năm 2022, EVNNPT đã lập kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo triển khai các dự án lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa các nguồn NLTT như sau:

Đối với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong năm 2022 EVNNPT sẽ hoàn thành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT trên địa bàn như: Nâng công suất các TBA 500kV Pleiku 2 và Đăk Nông (tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành NCS 01 MBA tại mỗi trạm từ 450 MVA lên 900 MVA và sẽ hoàn thành nâng công suất MBA còn lại của các trạm này vào cuối năm 2022); TBA 220kV Cam Ranh; các ĐD 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Ninh Phước - Thuận Nam, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi, Krông Buk - Nha Trang, Nha Trang - Tháp Chàm...

Đối với khu vực Tây Nam bộ, EVNNPT đang tập trung triển khai các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn điện gió trên địa bàn như các TBA 220kV Năm Căn, Vĩnh Châu, Duyên Hải cùng các ĐZ đấu nối để hoàn thành trong năm 2022 đúng theo kế hoạch đề ra.

TGD kiem tra TBA Van Phong
Lãnh đạo EVNNPT kiểm tra TBA Vân Phong

Đồng thời trong năm 2022, EVNNPT cũng đã lập kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công, thi công và đưa vào vận hành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT có kế hoạch đưa vào vận hành trong các năm tiếp theo như các dự án: các TBA 500kV Quảng Trị, Krông Buk cùng các ĐD đấu nối; ĐD 500kV Thuận Nam - Chơn Thành; các ĐD 220kV Tuy Hòa - Quy Nhơn, Tuy Hòa - Phước An, Đa Nhim - Đức Trọng Di Linh; các TBA 220kV An Khê, Hòa Bình, Bến Cát 2… 

Như vậy với các dự án lưới điện truyền tải sẽ hoàn thành trong năm 2022 và thời gian tới sẽ góp phần giải tỏa công suất và phát huy được hiệu quả của các nguồn NLTT trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

PV: Được biết Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là chủ đầu tư các dự án lưới điện, đấu nối đồng bộ Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong; Dự án đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân bàn giao vào tháng 12 năm 2022. Vậy Tổng công ty Truyền tải sẽ thực hiện những giải pháp nào để dự án hoàn thành đúng tiến độ?

Ông Phạm Lê Phú: Đây là dự án trọng điểm, cấp bách cần hoàn thành đóng điện trong tháng  12/2022 nhằm giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực. Với khối lượng công việc rất lớn, địa hình thi công trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công ngắn trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi EVNNPT và các nhà thầu thi công phải tập trung tối đa nguồn lực và có những giải pháp phù hợp để đảm bảo tiến độ dự án này. Cụ thể:

Về công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB): Công tác BTGPMB luôn là trở ngại, thách thức lớn khi thực hiện các dự án truyền tải điện, đặc biệt đối với các dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh thì nguy cơ chậm tiến độ do BTGPMB rất cao.

Xác định trước những khó khăn nên ngay từ khi triển khai dự án, EVNNPT đã cùng Tập đoàn  Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với các địa phương có dự án đi qua (Tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận) để trao đổi thông tin, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để sớm hoàn thành công tác này. Đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, EVN và sự nỗ lực của đơn vị quản lý dự án nên công tác BTGPMB cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Một số khó khăn về giải phóng hành lang tuyến sẽ được EVNNPT phối hợp với các địa phương để tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, mục tiêu là không để công tác BTGPMB làm chậm tiến độ dự án.

Về việc lập và kiểm soát tiến độ thi công: EVNNPT đã khẩn trương phê duyệt tổng tiến độ đối với từng dự án thành phần ngay sau khi khởi công để làm cơ sở điều hành. Trong điều hành, đối với từng dự án cụ thể, EVNNPT giao cho Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị được giao quản lý, điều hành dự án kiểm soát chặt chẽ các mốc tiến độ để điều hành và đưa ra các giải pháp cảnh báo, bù tiến độ trong trường hợp tiến độ thực hiện bị chậm.

EVNNPT cũng chỉ đạo CPMB thành lập Ban điều hành dự án, cán bộ của ban điều hành thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm soát tiến độ, chất lượng của dự án và phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xử lý ngay những vướng mắc trong thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo EVNNPT để có biện pháp tháo gỡ sao cho vừa đảm bảo tiến độ, vừa tuân thủ các quy định hiện hành. Nói cách khác, EVNNPT đang cùng các đơn vị tham gia dự án tập trung nguồn lực cao nhất để hoàn thành dự án này.

Về công tác truyền thông: Để hoàn thành dự án đúng tiến độ rất cần sự đồng thuận của chính quyền và người dân khu vực có dự án đi qua cũng như sự quyết tâm cao độ của đơn vị quản lý dự án và nhà thầu thi công. Do vậy công tác truyền thông cho dự án cũng được EVNNPT đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn cao điểm về dịch Covid-19, EVN đã cùng EVNNPT, CPMB hỗ trợ 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận trang thiết bị và kinh phí phòng, chống dịch bệnh với số tiền 8 tỉ đồng.

Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện sự chia sẻ, đồng hành cùng với địa phương và người dân có dự án đi qua để khắc phục những khó khó khăn do dịch bệnh mang lại, tạo mối quan hệ, tình cảm tốt với chính quyền và nhân dân để công tác BTGPMB được thuận lợi hơn.

Ngoài ra, EVNNPT cũng đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương để đăng tải thông tin về dự án nhằm phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. EVN, EVNNPT cũng đã tổ chức lễ phát động thi đua nhằm phát huy tinh thần cao nhất của các đơn vị tham gia dự án, thăm hỏi, động viên người lao động trên công trường khắc phục khó khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mốc tiến độ đề ra để đóng điện dự án trong tháng 12/2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV