Đảm bảo cấp điện và chống dịch hiệu quả

Trong những ngày các tỉnh thành phía nam gồng mình chống dịch, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly được thành lập, EVNSPC đã cung cấp điện cho 326 điểm cách ly tập trung, 416 cơ sở y tế, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 1.204 trạm, chốt kiểm soát dịch. Đồng thời giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền 1.203 tỷ đồng chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Trong năm qua, mặc dù dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, EVNSPC vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ ứng dụng hiệu quả các giải pháp họp trực tuyến, làm việc từ xa, văn phòng không giấy tờ, chữ ký số, cung cấp dịch vụ trực tuyến, giao dịch điện tử, chăm sóc khách hàng đa phương tiện.

Đồng thời nỗ lực thực hiện “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, hiện nay, các hoạt động nghiệp vụ của EVNSPC và các đơn vị thành viên đã được ứng dụng triệt để trên nền tảng di động thống nhất như: Digital Office, BI-EVNSPC; EVNSPC Home; Kiểm tra chất lượng điện năng; Kiểm tra lưới điện; Quản lý an toàn; Ứng dụng Nhánh rẽ khách hàng để cảnh báo mất điện phục vụ sửa chữa điện...

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành biểu dương nỗ lực và thành tích đạt được của EVNSPC đạt được trong năm 2021.

 

EVNSPC cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và thiết lập hạ tầng tự động hóa trong vận hành, điều khiển lưới điện. 100% số lượng trạm biến áp 110kV của Tổng công ty đã vận hành theo chế độ không người trực. 100% các gói thầu được thực hiện các hình thức đấu thầu rộng rãi và đánh giá, chấm điểm qua mạng. Toàn bộ các dự án lưới điện từ 110 kV được áp dụng phần mềm quản lý tiến độ tiên tiến; triển khai giám sát nhà thầu, nhân lực, trang thiết bị ra, vào tại công trường qua hệ thống camera thông minh...

Lãnh đạo EVN trao tặng bức tranh ghi nhận đóng góp của EVNSPC vào thành tích chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tổng công ty đã triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng với nhiều trải nghiệm tiện ích để thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh và điều kiện bình thường mới.

Tích cực trong hoạt động an sinh xã hội

Năm 2021 cũng là năm rất đặc biệt với EVNSPC trong hoạt động an sinh xã hội. EVNSPC đã chi cho các hoạt động an sinh xã hội lên đến 81 tỉ đồng. Thực tế, trong đợt đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn ra nặng nề tại các tỉnh phía Nam, EVNSPC là một trong những tổng công ty điện lực lớn đi đầu trong công tác từ thiện, an sinh xã hội.

Cụ thể, Tổng công ty đã chi 65 tỉ đồng để tài trợ mua hệ thống oxy, máy thở, trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ luôn máy tính, máy in cho các đơn vị phòng chống dịch tuyến đầu tại Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra số tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, trong năm nay, EVNSPC đã tài trợ xây dựng 245 căn nhà tình nghĩa tại 21 tỉnh thành trên địa bàn cung cấp điện của Tổng công ty với tổng mức hỗ trợ lên đến 12,25 tỉ đồng.

Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”

Năm 2022 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, EVNSPC tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt hoạt động sản xuất - kinh doanh.

EVNSPC đã đề ra các mục tiêu: nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phòng chống dịch Covid- 19, đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án, vận hành thị trường điện theo lộ trình được Tập đoàn chỉ đạo và phê duyệt. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động và đảm bảo an toàn lao động. Tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động.

Các chỉ tiêu kế hoạch 2022: Điện sản xuất thực hiện 85 triệu kWh tăng 4,9% so với ước thực hiện năm 2021; điện thương phẩm 81 tỷ 790 triệu kWh, tăng 7% so với ước thực hiện năm 2021; Tiết kiệm điện 2% sản lượng điện thương phẩm; giá bán điện bình quân thực hiện cao hơn kế hoạch EVN giao; tỷ lệ điện dùng để phân phối điện 3,82%; suất sự cố 110 kV, đối với SSC thoáng qua đường dây 110 kV là 0,794 vụ/100km/năm, SSC kéo dài đường dây 110 kV là 0,794 vụ/100km/năm, SSC trạm biến áp 110 kV là 0,150 vụ/TBA/năm; độ tin cậy cung cấp điện MAIFI 2,21 lần, SAIDI 277 phút, SAIFI 2,62 lần; năng suất lao động theo điện thương phẩm 3,96 triệu kWh/LĐ; theo khách hàng là 459 khách hàng/LĐ; về đầu tư xây dựng dự kiến đầu tư khoảng 11.159 tỷ đồng.