FAO dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo Châu Phi giảm trong năm nay

Theo báo cáo tình hình thị trường gạo mới nhất của Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO), tổng sản lượng thóc trên toàn cầu trong năm 2017 ước đạt 759,6 triệu tấn (tương đương 503,9 triệu t

Mức sản lượng này cao hơn mức sản lượng kỷ lục năm 2016 tới 4,5 triệu tấn tương đương 0,6%. Mức sản lượng thóc năm 2017 của thế giới tăng cao chủ yếu do tình hình thời tiết diễn biến thuận lợi tại các nước Châu Mỹ La tinh và khu vực Caribe. Sản lượng thóc tại khu vực này trong năm 2017 đã có mức tăng cao nhất từng được ghi nhận, đạt 7%. Trong khi đó, sản lượng thóc tại khu vực Châu Á trong năm 2017 chỉ có mức tăng thấp, tăng 0,7% so với năm 2016 lên mức 686,7 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm 2017, tình trạng hạn hán hoặc lũ lụt diễn ra tại nhiều nước Châu Á.  Tình trạng hạn hán cũng khiến cho sản lượng thóc tại khu vực Châu Phi năm 2017 giảm còn 31,1 triệu tấn.

Đối với niên vụ 2018, FAO dự báo sản lượng thóc toàn cầu sẽ tiếp tục tăng thêm 10,3 triệu tấn lên mức 769,9 triệu tấn (tương đương 510,6 triệu tấn gạo ở mức xay xát thông thương) trong bối cảnh các nước sản xuất lúa gạo, đặc biệt tại khu vực Châu Á, đang tích cực mở rộng quy mô canh tác trong niên vụ mới. Tại khu vực Châu Á, FAO nhận định sản lượng lúa gạo của Ấn Độ trong năm 2018 sẽ có mức gia tăng lớn nhất trong khi đó sản lượng lúa gạo của Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng vừa phải. Sản lượng lúa gạo của các nước Châu Á khác như Myanmar, Philippines và Thái Lan cũng được FAO dự báo tăng trong năm 2018.

Đối với khu vực Châu Phi, FAO dự báo tình hình sản xuất lúa gạo trong năm 2018 diễn ra tương đối thuận lợi. Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về tình trạng dịch hại sâu xanh mùa thu (Fall Armyworm) cùng với tình hình mưa, FAO nhận định tình hình sản xuất lúa gạo tại khu vực phía Đông và Nam Châu Phi vẫn diễn ra thuận lợi hơn so với niên vụ 2017.

Tổng lượng gạo dự trữ trên toàn cầu trong niên vụ 2017/2018 và niên vụ 2018/2019 được FAO dự báo lần lượt đạt 170,9 triệu tấn và 172,9 triệu tấn.

Tổng lượng giao dịch lúa gạo trên thị trường quốc tế trong năm 2018 được FAO dự báo sẽ đạt 47,6 triệu tấn. Trong khi đó, FAO ước tính tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2017 đạt 48,1 triệu tấn – chạm mức cao nhất từng được ghi nhận. Trong bối cảnh, tổng lượng giao dịch lúa gạo trên thị trường toàn cầu ở mức cao, lượng tồn kho lúa gạo được tích lũy ở mức cao nhờ sản lượng lúa gạo trong năm 2017 ở mức tốt hoặc nhập khẩu nhiều, FAO nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước Châu Phi, Châu Mỹ La tinh và Caribe sẽ giảm xuống trong năm 2018. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của một số nước Châu Á như Indonesia và Philippines được FAO dự báo sẽ ở mức tốt do các nước này cần bù đắp lượng gạo dự trữ trong nước và kiếm chế đà tăng giá gạo trên thị trường nội địa.

Về phía các nước xuất khẩu gạo, FAO dự báo lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2018 sẽ giảm xuống trong bối cảnh lượng gạo hiện hữu cho việc xuất khẩu của nước này giảm đồng thời đồng Bath Thái tăng giá. Tình hình xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2018 cũng được dự báo giảm do sức mua từ các bán hàng truyền thống giảm. Trong khi đó, FAO dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam, Myanmar và Pakistan sẽ tăng lên trong năm nay.

Duy Quang