FAO: Giá lương thực toàn cầu giảm nhiệt sau 12 tháng tăng liên tục

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa cho biết Chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO trong tháng 6 vừa qua đã giảm 2,5% so với hồi tháng 5, xuống còn 124,6 điểm; đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm sau 12 tháng tăng liên tục.
Giá lương thực toàn cầu
Giá lương thực toàn cầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 12 tháng tăng liên tục (Ảnh: The Courier Mail)

Tuy nhiên, FAO cảnh báo chỉ số này vẫn đang cao hơn tới 33,9% so với cùng kỳ tháng 6/2020. Chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO đo lường sự biến động của giá các loại thực phẩm phổ biến nhất được giao dịch trên toàn cầu.

Chỉ số giá lương thực toàn cầu FAO giảm xuống trong tháng 6/2021 chủ yếu nhờ giá các loại dầu thực vật và ngũ cốc hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số giá dầu thực vật của FAO trong tháng 6/2021 giảm mạnh 9,8%  xuống mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây trong bối cảnh giá hàng loạt loại dầu ăn như dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hướng dương trên thị trường quốc tế suy giảm.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng trước cũng giảm 2,6%; tuy nhiên, vẫn ở mức cao hơn tới 33,8% so với cùng kỳ tháng 6/2020. Giá ngô trên thị trường quốc tế đã giảm 5% trong tháng 6 vừa qua, chủ yếu do giá ngô tại Argentina khi nước này bước vào vụ thu hoạch, giúp nguồn cung ngô tăng lên và sản lượng ngô thực tế cao hơn dự báo. Argentina là một trong những quốc gia cung ứng ngô lớn trên thị trường quốc tế.

Giá lúa mì trên thị trường quốc tế cũng đã giảm nhẹ 0,8% nhờ triển vọng lạc quan về nguồn cung tại một số khu vực canh tác lúa mì chính, giúp giảm bớt phần nào các lo ngại về tình trạng khô hạn tại khu vực Bắc Mỹ.

Trong khi đó, giá gạo trên thị trường quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng trở lại đây, chủ yếu do tình trạng giá cước vận chuyển đường biển tăng cao và thiếu hụt container rỗng khiến hoạt động xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn.

Chỉ số giá sữa của FAO cũng đã giảm 1% xuống còn 119,9 điểm trong tháng 6/2021 khi giá tất cả các loại sữa và sản phẩm từ sữa trên thị trường quốc tế đều giảm. Trong đó, giá bơ có mức sụt giảm cao nhất khi nhu cầu nhập khẩu bơ trên toàn cầu suy yếu và mức dự trữ bơ tại khu vực Châu Âu tăng nhẹ.

Tuy nhiên, chỉ số giá thịt toàn cầu của FAO tiếp tục tăng thêm 2,1% trong tháng 6/2021, xác lập tháng tăng giá thứ 9 liên tiếp. Chỉ số này hiện cao hơn 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ còn thấp hơn 8% so với mức cao nhất mọi thời đại được xác lập vào tháng 8/2014 khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nổ ra. Dữ liệu cho thấy một số quốc gia khu vực Đông Á đang tăng cường nhập khẩu thịt; trong khi đó, lượng thịt được Trung Quốc thu mua đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Chỉ số giá đường của FAO cũng tăng thêm 0,9%, xác lập tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp và chạm mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá đường trên thị trường quốc tế đang neo ở mức cao củ yếu do tình trạng thời tiết bất lợi diễn ra tại các khu vực gieo trồng mía đường chính của Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Quang Đặng