FDI toàn cầu sẽ suy giảm mạnh 40% trong năm 2020 vì dịch Covid-19

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa cảnh báo quy mô dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm nay có thể giảm tới 40% dưới các tác động của đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong năm 2021.
Sản xuất tại Ấn Độ
 UNCTA cảnh báo những nền kinh tế đang nổi lên như Ấn Độ sẽ chịu tác động lớn khi dòng vốn FDI suy giảm dưới các tác động của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Gulf Today)

Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD)  cho biết quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1 nghìn tỷ USD kể từ năm 2005, giảm khoảng 40% so với mức 1,54 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Trong năm 2021, quy mô vốn FDI toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm 5% đến 10% và chỉ bắt đầu phục hồi trở lại kể từ năm 2022.

Tổng thư ký UNCTA Mukhisa Kituyi nhận định “Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình huống khó khăn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra đồng thời cú sốc cung, cầu và chính sách đối với dòng vốn FDI.”

Các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó các lĩnh vực sản xuất công nghiệp chính sẽ bị đình trệ, lượng kiều hối sụt giảm, nguồn thu từ du lịch suy yếu đồng thời suy giảm giao thương quốc tế.

Ông Mukhisa Kituyi cảnh báo “Cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực khi việc sản xuất một số mặt hàng thực phẩm chính lại tập trung ở một số quốc gia lớn vốn đang ghi nhận sự lây lan mạnh của dịch bệnh. Việc khống chế dịch bệnh chỉ là một phần trong những thách thức dai dẳng mà các nền kinh tế đang phải triển phải đối mặt.”

Đối với khu vực Châu Á, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 được cảnh báo sẽ làm giảm mức thu nhập từ hoạt động tái đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh nước ngoài trong khu vực. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra cũng cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc và một số nền kinh tế khác tại khu vực Châu Á trong việc duy trì hoạt động sản xuất trên toàn cầu.

Ông James Zhan, giám đốc bộ phận đầu tư và doanh nghiệp của UNCTA, nhận định “Các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây cho thấy hoạt động đầu tư quốc tế đóng vai trò dẫn dắt sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.” Sự phục hồi kinh tế lần này có thể tạo ra cơ hội vươn lên cho các quốc gia có mức thu nhập trung bình khi các chuỗi giá trị được dịch chuyển và mang tính khu vực hoá hơn.

Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của UNCTA cho biết có khoảng 32 quốc gia kém phát triển không tiếp giáp với biển hiện đang vật lộn với việc suy giảm vốn FDI dưới các tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn đang đóng cửa đường biên giới. UNCTA cho biết các quốc gia này không thể vận chuyển hàng hoá trực tiếp thông qua đường biển trong khi đó vận chuyển đường biển chuyên chở đến 80% tổng giá trị giao thương toàn cầu.

Quy mô vốn FDI trên toàn cầu trong năm 2019 đã tăng 3% sau khi sụt giảm đáng kể trong năm 2017 và 2018. Sự gia tăng vốn FDI trên toàn cầu trong năm 2019 chủ yếu do dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế phát triển tăng lên.

Quang Đặng (Theo SCMP)