FED dự kiến tăng mạnh lãi suất cơ bản

Giới quan sát nhận định, trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sẽ quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, cao gấp đôi so với mức tăng 0,25% thường lệ, nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch FED Jerome Powell
Ông Jerome Powell nhấn mạnh mục tiêu của FED là kiềm chế lạm phát mà không đẩy Hoa Kỳ rơi vào một đợt suy thoái kinh tế mới (Ảnh: CNBC)

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nhóm họp trong ngày 3 và 4/5 (theo giờ Hoa Kỳ). Giới phân tích lo ngại trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt một loạt cú sốc từ cả bên trong lẫn bên ngoài thì việc FED mạnh tay siết chặt các chính sách tiền tệ có thể khiến Hoa Kỳ rơi vào một cuộc suy thoái mới. Xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài và các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell đã tái khẳng định quyết tâm nâng mạnh lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. FED dự kiến cũng sẽ công bố kế hoạch thu hẹp đáng kể gói nới lỏng định lượng quy mô hàng nghìn tỷ USD vốn được triển khai nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

"Mục tiêu của FED là sử dụng các công cụ để đảm bảo sự cân bằng giữa cung và cầu, qua đó có thể giảm lạm phát và tránh nguy cơ kinh tế rơi vào suy thoái", ông Jerome Powell nhấn mạnh.

Trong cuộc họp chính sách tháng 3/2025, FED đã lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản từ mức 0% lên 0,25% kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, một số quan chức kỳ vọng về mức tăng mạnh mẽ hơn và nhanh hơn, phù hợp với lạm phát tiêu dùng đang ở mức 8,5%.

Giới phân tích dự báo FED có thể nâng lãi suất cơ bản lên mức gần 3% trong năm 2022. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là mức tăng lãi suất lớn nhất trong một năm của FED kể từ đầu những năm 1990. Cùng với việc giảm quy mô gói nới lỏng định lượng , việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED có thể là những nỗ lực mạnh nhất kể từ những năm 1980.

Điều này sẽ khiến chi phí đi vay tại Hoa Kỳ tăng lên đáng kể, gây áp lực tài chính lớn đến người tiêu dùng nước này, từ việc mua xe, nhà, kinh doanh cho đến việc sử dụng thẻ tín dụng, và làm suy yếu nền kinh tế. Một số nhà phân tích nhận định các hành động của FED hiện tại đã quá trễ. Ông Roger Ferguson, cựu Phó chủ tịch FED, nhận định “Suy thoái là điều gần như không thể tránh khỏi ở giai đoạn này. Tôi nghĩ khả năng xảy ra suy thoái là rất, rất cao vì FED mạnh tay điều chỉnh các công cụ”.

Duy Quang