FTA Index - Công cụ đo lường hiệu quả của các FTA

Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương (FTA Index) để có thể công bố lần đầu tiên vào cuối năm nay.

Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index) được phê duyệt tại Văn bản số 5678/VPCP-QHQT ngày 31 tháng 8 năm 2022. Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.

FTA Index
Việc xây dựng Bộ chỉ số FTA Index sẽ giúp phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại cho các địa phương, đặc biệt đánh giá tác động đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Xem thêm bài viết: Giá tiêu hôm nay 25/8 - Dư địa xuất khẩu tiêu rộng mở nhờ các FTA đăng trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Sự cần thiết phải có Bộ chỉ số FTA Index

Đề án nêu rõ, trong tiến trình hội nhập kinh tế, sự hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Dưới hình thức song phương hoặc đa phương, các FTA xác lập lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cung như phi thuế quan tiến tới việc thành lập một khu vực thương mại tự do, mở rộng cơ hội kinh tế cho mỗi nước thành viên, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế.

Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA ở cả ở cấp độ song phương và nhiều bên, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.

Việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực. Đó là góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch COVID-19 gây ra trong 2 năm qua.

Kể từ khi thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA hay UKVFTA, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên của các FTA cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường mới mà Việt Nam chưa có quan hệ FTA trước đó nư: Canada, Mexico… ghi nhận mức tăng mạnh.

Việc triển khai các FTA cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam vào nhiều lĩnh vực kinh tế, qua đó tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô; tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy sản...

Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thời gian qua vẫn còn một số vấn đề.

Thứ nhất, dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA mới đi vào thực thi gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... còn rất lớn. Một số khảo sát về kết quả thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp giao dịch xuất nhập khẩu với các nước FTA từng có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA còn thấp. Số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước FTA chưa cao. Mặt khác, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành phố còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA.

Thứ hai, mặc dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.

Thứ ba, việc Việt Nam chưa có cơ chế đánh giá chi tiết, khách quan và liên tục về kết quả thực hiện các FTA tại từng địa phương được cho cản trở khả năng tận dụng các FTA, đồng thời gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát thực thi các FTA.

Những mục tiêu trọng tâm của FTA Index

Trên cơ sở các phân tích về sự cần thiết, với mục tiêu đánh giá chính xác, khách quan và liên tục các kết quả thực hiện FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi, từ đó làm cơ sở tin cậy cho việc điều chỉnh và xây dựng các chính sách hỗ trợ hợp lý, giúp cho người dân nâng cao nhận thức và các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ, để từ đó tận dụng tốt thời cơ và các cơ hội mà các Hiệp định FTA thế hệ mới mang lại, việc xây dựng FTA Index là rất cần thiết.

Việc xây dựng FTA Index nhằm thực hiện một số mục tiêu trọng tâm.

Với người dân và doanh nghiệp, FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với các nhà đầu tư, FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA.

Với Chính phủ và Quốc hội, FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương.

Với các cơ quan trung ương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA.

Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.

FTA Index giúp tạo động lực tăng cường quan tâm của các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác và tận dụng các FTA cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Hằng