Gần 3,3 triệu cổ phiếu VPB “giá rẻ” bắt đầu được giải toả từ ngày mai

Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) vừa có thông báo về việc thực hiện giải toả tiếp 35% số cổ phiếu được phát hành theo dạng ESOP năm 2020.
Ngân hàng VPBank
Trong năm 2020, Ngân hàng VPBank đã phát hành 17 triệu cổ phiếu VPB dạng ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc sẽ giải toả 35% đợt 3 số cổ phiếu VPB bị hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2020 (ESOP).

Theo đó, sẽ có hơn 3,28 triệu cổ phiếu VPB được phát hành theo dạng ESOP năm 2020 được giải toả bắt đầu từ ngày 19/12 đến 22/12/2023. Như vậy, số cổ phiếu này sẽ được tự do giao dịch trên thị trường.  

Trước đó, trong năm 2020, Ngân hàng VPBank đã phát hành 17 triệu cổ phiếu VPB dạng ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng.

100% số cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Sau 12 tháng thì 30% số cổ phiếu này sẽ được giải toả; sau 24 tháng thì 35% số số phiếu sẽ được giải toả thêm; và sau 36 tháng thì 35% số cổ phiếu còn lại sẽ được giải toả hết.

Giá cổ phiếu VPB Ngân hàng VPBank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 18/12, cổ phiếu VPB có giá tham chiếu tại mức 18.700 đồng/cổ phiếu. Tạm so với mức giá này thì thị giá của cổ phiếu VPB hiện đang cao hơn gấp 1,87 lần giá cổ phiếu ESOP.

Gần đây nhất, vào hồi tháng 8/2023, Ngân hàng VPBank cũng đã thực hiện giải tỏa gần 13,8 triệu cổ phiếu ESOP phát hành trong năm 2021 và 2022.

Trong một diễn biến có liên quan, gần 1,2 tỷ cổ phiếu VPB vừa được niêm yết bổ sung thành công. Số cổ phiếu bổ sung trên đến từ việc Ngân hàng Vpbank phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản) với tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng.

Qua đó, vốn điều lệ của Ngân hàng VPB tăng lên mức 79.339 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu nâng lên gần 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất và vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 (sau Ngân hàng Vietcombank) trong hệ thống hiện nay.

Xem thêm: "Kỳ vọng chi phí vốn của Ngân hàng VPBank (VPB) sẽ giảm đáng kể, thúc đẩy NIM phục hồi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng VPBank ghi nhận doanh thu đạt 27.133 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 780.213 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm. Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 19%; trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng đạt 39% so với thời điểm đầu năm nay.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, chi phí vốn của Ngân hàng VPBank kỳ vọng sẽ giảm xuống trong năm 2024 nhờ loạt yếu tố tích cực, qua đó hỗ trợ ngân hàng này cải thiện kết quả kinh doanh trong năm sau.

Hãng chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) hiện dự báo NIM cả năm 2023 của Ngân hàng VPBank sẽ đạt 5,78%, so với mức 7,5% của năm 2022. Theo KBSV, NIM của Ngân hàng VPBank kỳ vọng sẽ hồi phục dần nhưng không quá mạnh trong năm 2024 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, khiến lãi suất cho vay khó có thể tăng trở lại và Ngân hàng VPBank sẽ phải giữa lãi suất ở mức đủ sức hấp dẫn trên thị trường. Do đó, NIM của năm 2024 của ngân hàng này có thể đạt 6,69%.

Duy Quang