Theo đại diện Saigon Co.op, thực tế cho thấy dù trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải, nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm.

Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt, …. 

Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào. Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí khủng đặc thù mùa dịch phát sinh cũng là khó khăn lớn cho siêu thị như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper giao hàng tăng cao và hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm,… khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng.

Mới đây Saigon Co.op thông báo giảm giá hơn 2.000 sản phẩm nhu yếu, tiếp nối cho hàng loạt hoạt động âm thầm gánh lỗ để giữ và giảm giá hàng hóa hỗ trợ người dân trong nhiều tháng qua. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25/8/2021, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile trên toàn quốc sẽ áp dụng chương trình giảm giá cho hơn 2.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm thủy hải sản, rau củ, các loại trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng với tỉ lệ giảm giá từ 15% đến gần 50%. 

“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng trong tháng cao điểm tiếp theo chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực hết sức để giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân, tăng cường phối hợp các đoàn thể địa phương đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiệu quả hơn”, Saigon Co.op khẳng định.