GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, trong bối cảnh 70% nền kinh tế trên thế giới trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% trong năm 2019 là khả thi.

Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng năm 2019 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 28/6.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế trên thế giới trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Hoạt động kinh tế, thương mại tại các quốc gia có nhiều biến động.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Ngay đầu quý II, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.

Đáng chú ý, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng rõ rệt đến ngành chăn nuôi. Cơ quan thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị các giải pháp bù đắp thiệt hại, bù đắp bằng cách tăng sản lượng khác như gia cầm, trứng, lúa, rau củ quả.

“Điểm sáng xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp thiệt hại do dịch tả lợn gây ra”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Về công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13%, đóng góp 3,06 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,78%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,85%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích thêm, công nghiệp chế biến, chế tạo khó tăng cao 6 tháng cuối 2019, bởi ngành khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cùng giai đoạn 2018. Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực không còn duy trì đà tăng như trước.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,69%, tuy thấp hơn mức tăng 6,89% của 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2018 nhưng cao hơn các năm 2012-2016. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,09% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,9%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,48%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,43%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,89%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,55% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21% (cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2018 là: 14,13%; 33,83%; 41,8%; 10,24%).

Về triển vọng tăng trưởng, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia phân tích: Mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% trong năm 2019 là khả thi. Bởi lẽ, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tuy không tăng nhanh bằng năm 2018, nhưng vẫn duy trì mức khá cao. Các doanh nghiệp khá lạc quan, ông Hùng dẫn số liệu có 83,5% doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I và 88,6% tin là quý III hơn quý II.

Các hoạt động dịch vụ thị trường sôi động, tiêu dùng tăng cao, trong khi chỉ số giá cả tiêu dùng CPI duy trì ổn định. Điểm cần lưu tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, các hiệp định thương mại sẽ có tác động nhiều chiều đến xuất nhập khẩu, trong khi đó cần tính đến việc suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp.