Giá ca cao dự báo tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và tình trạng đầu cơ

Giá ca cao trên thị trường quốc tế dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới do tình trạng thời tiết bất lợi tại Bờ Biển Ngà khiến nguồn cung sụt giảm, đồng thời, xuất hiện tình trạng đầu cơ hàng để hưởng giá cao.

Hãng tin Reuters dẫn lời các hãng giao dịch ca cao cho biết tình trạng thời tiết bất lợi và tích trữ hàng tại Bờ Biển Ngà có thể khiến giá ca cao toàn cầu tăng lên trong thời gian tới. Bờ Biển Nga hiện là quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới với sản lượng ca cao chiếm khoảng 40% tổng sản lượng ca cao toàn cầu.

Giá ca cao giao tương lai trên Sàn giao dịch ICE hiện gần đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Tình hình thời tiết bất lợi đã khiến lượng ca cao xuất khẩu của Bờ Biển Ngà trong giai đoạn từ tháng 10/2019 – 3/2020 (vụ chính) dự báo sẽ chỉ đạt 1,58 triệu tấn, giảm so với mức 1,69 triệu tấn được dự báo trước đó và giảm so với mức 1,652 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu ca cao của Bờ Biển Ngà sụt giảm
Tình trạng thời tiết bất lợi khiến nguồn cung sụt giảm cùng với nạn đầu cơ đang đẩy giá ca cao tại Bờ Biển Ngà tăng cao

Các hãng xuất khẩu và thương nhân kinh doanh ca cao tại Bờ Biển Ngà dự báo tổng lượng ca cao xuất khẩu của nước này trong giai đoạn từ tháng 4 – tháng 9/2020 sẽ chỉ đạt khoảng 350.000 đến 400.000 tấn, con số này thấp hơn nhiều so với mức 527.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Một hãng giao dịch ca cao có trụ sở tại Thuỵ Sĩ cho biết tình trạng thời tiết khô nóng tại Bờ Biển Nga đang ảnh hưởng tiêu cực đến cây ca cao, trong khi đó, những người nông dân đang tích trữ hàng với kỳ vọng giá ca cao sẽ còn tăng cao hơn. Trong khi đó, một hãng giao dịch ca cao có trụ sở tại Pháp cho biết hãng này không thể mua thêm lô hàng nào cho tháng 8 và tháng 9/2020 do người nông dân tại Bờ Biển Ngà muốn tích trữ hàng thay vì bán ra.

Bờ Biển Ngà và Ghana vừa qua đã nâng mức giá bán ca cao niên vụ 2020/2021 tăng hơn 400 USD/tấn so với giá bán niên vụ 2019/2020 nhằm bù đắp các thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra với ngành sản xuất ca cao của hai quốc gia này. Tuy nhiên, điều này đã khuyến khích các thương nhân địa phương găm giữ hàng thay vì bán ra để được hưởng mức giá cao hơn.

Quang Đặng (Tổng hợp)