Giá cước vận tải biển quốc tế tiếp tục giảm mạnh

Giá cước vận tải biển quốc tế tiếp tục xu hướng giảm đáng kể khi tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm tốc và các tắc nghẽn chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ.

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence (Hoa Kỳ) cho biết giá cước vận tải biển trên thế giới tiếp tục xu hướng giảm khi khối lượng thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, do nhu cầu suy yếu. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển còn chịu áp lực giảm khi những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra đang dần được tháo gỡ.

Dữ liệu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố trong tháng 8 cho thấy khối lượng thương mại hàng hoá toàn cầu trong quý 1/2022 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,7% ghi nhận trong quý 4/2021. Nguyên nhân chủ yếu do các tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và việc Trung Quốc tiếp tục phong toả nhiều khu vực để kiểm soát dịch Covid-19.

Sau khi đạt đỉnh trong quý 2 vừa qua, giá cước vận tải biển, bao gồm giá cước vận chuyển container và giá cước tàu hàng khô rời, trên thị trường quốc tế đã giảm liên tục trong ba tháng gần đây.

Thông thường, giá cước vận tải biển, đặc biệt là đối với tàu hàng khô rời, thường sẽ đạt mức cao nhất vào quý 3 hàng năm khi nhu cầu về hàng hoá cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm tăng vọt.

Giá cước vận tải biển
Giá cước vận chuyển container giao ngay trên tuyến Bắc Á - Bờ Tây Bắc Mỹ hiện đã giảm xuống dưới mức giá cước theo các hợp đồng dài hạn, phản ánh nhu cầu vận chuyển hàng hoá hiện nay đã suy giảm mạnh (Nguồn: S&P Global Commodity Insights) 

 

Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence cho thấy, trong ngày 1/9, giá cước vận chuyển container trên tuyến Bắc Á – Bờ Tây Bắc Mỹ đạt 5.350 USD/FEU (1 container 40 feet) - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2021. Giá cước vận chuyển container trên tuyến Đông Nam Á - Bờ Tây Bắc Mỹ cũng giảm mạnh 3.100 USD trong tháng 7 và tháng 8, xuống còn 4.900  USD/FEU vào ngày 1/9.

Một số chuyên gia nhận định, giá cước vận chuyển container trên tuyến Đông Nam Á - Bờ Tây Bắc Mỹ có thể sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn từ 2.000 USD – 2.500 USD/FEU như hồi năm 2019.

S&P Global Market Intelligence dẫn lời một doanh nghiệp logistics tại Indonesia cho biết “Mọi hãng tàu đang tìm cách có đủ khách hàng và chúng tôi đã nhận được báo giá ở mức 4.100 USD/FEU cho lô hàng chuyển đến Bờ Tây Hoa Kỳ với lịch lấy hàng vào giữa tháng 9 này.”

Khối lượng hàng hoá
Khối lượng hàng hoá cập cảng Los Angeles và cảng Long Beach, hai cảng lớn nhất tại Bờ Tây Hoa Kỳ, hiện đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: S&P Global Commodity Insights)

S&P Global Market Intelligence cũng cho biết tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng trên thế giới đã giảm đáng kể cùng với đó là lượng hàng hoá chuyên chở qua cảng thấp hơn. Với dự báo khối lượng hàng hoá chuyên chở sẽ tăng chậm lại, S&P Global Market Intelligence nhận định tình trạng tắc nghẽn tại các cảng có thể sẽ không tái diễn nghiêm trọng trong những quý tới đây.

Giá cước vận chuyển nguyên liệu thô qua đường biển được S&P Global Market Intelligence nhận định sẽ giảm khoảng 20% – 30% trong năm nay, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2024. Việc giá cước vận tải biển giảm đáng kể và có thể giảm mạnh tiếp trong thời gian tới cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng gia tăng khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu và lạm phát ở mức cao kỷ lục tại nhiều nền kinh tế.

WTO hiện dự báo thương mại toàn cầu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong năm nay nhưng hoạt động giao thương quốc tế cũng đối mặt với các rủi ro gia tăng khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, sức ép lạm phát gia tăng, và nhiều nền kinh tế lớn đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ. Những yếu tố không chắc chắn này sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá cước vận tải biển quốc tế thời gian tới.

Quỳnh Trang