Giá dầu châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối cùng của năm

Trong phiên giao dịch ngày 31/12, giá dầu châu Á tăng cao trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2018, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ổn định hơn, dù vẫn là năm đầu tiên trong ba năm ghi nhận giá dầu sụt giảm do lo ngại dư dôi nguồn cung.

Trong phiên sáng nay, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tăng 19 xu Mỹ (0,4%), lên 45,52 USD/thùng. Giá dầu WTI cả năm 2018 đã giảm gần 25% sau hai năm tăng liên tục.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 17 xu Mỹ (0,3%), lên 53,38 USD/thùng. Như vậy, giá dầu brent cả năm 2018 giảm khoảng 20%.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể giúp củng cố tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, vốn bị tác động xấu do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Trưởng bộ phận đầu tư Jonathan Barratt thuộc công ty chứng khoán Probis (Sydney, Australia) cho biết các nhà đầu tư đang tìm kiếm những thỏa thuận có lợi trong một thị trường kém thanh khoản và nếu Tổng thống Donald Trump vượt qua được các vấn đề thương mại với Trung Quốc thì nhu cầu dự kiến sẽ gia tăng.

Trong tháng 11/2018, khối lượng dầu mỏ của Iran xuất khẩu sang các thị trường hàng đầu châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này có hiệu lực trong cùng tháng. Tuy nhiên, khối lượng dầu của châu Á nhập từ Iran tiếp tục tăng trong tháng 12/2018, sau khi Mỹ cấp miễn trừ lệnh trừng phạt tạm thời cho nhiều nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và kéo dài đến tháng 5/2019.

Theo nhiều chuyên gia, áp lực giảm giá dầu mỏ sẽ giảm dần từ tháng 1/2019 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh tiến hành cắt giảm sản lượng.

Đầu tháng 12/2018, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2019, nhằm hạn chế tình trạng dư cung và vực dậy giá dầu./.

 

Theo Vietnamplus.vn