Giá dầu giảm bất chấp lo ngại về gián đoạn nguồn cung

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do dịch Covid-19 (quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới) đã vượt qua lo ngại về gián đoạn nguồn cung do lệnh cấm của EU đối với nhập khẩu dầu từ Nga.

Chốt phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thô WTI giảm hơn 3% xuống còn khoảng 101 USD/thùng vào thứ Hai, lùi xa hơn so với mức đỉnh gần đây. Trong khi đó, giá dầu Brent giao sau giảm hơn 3% xuống dưới 104 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy giảm trong bối cảnh nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí xuất hiện dấu hiệu suy thoái ở một số nền kinh tế lớn.

Giá dầu giảm sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu vào cuối tuần trước về việc hoạt động của các nhà máy giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống mưc thấp nhất kể từ tháng 2/2020 bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại về sức cầu sẽ giảm sút đối với mặt hàng này.

giá dầu
Giá dầu WTI giả hơn 3% trong ngày hôm nay. Nguồn: Trading Economics

Nhà phân tích hàng hóa của Commonwealth Bank cho biết: “Mức sụt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của Trung Quốc có khả năng sẽ là vấn đề lớn đối với thị trường hàng hóa và nền kinh tế thế giới.”

Giới chuyên gia cũng cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ còn khó khăn hơn trong quý II/2022 khi áp lực lạm phát gia tăng và dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, cuộc xung đột Nga-Ukraine được dự báo kéo dài.

Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do các dự báo về việc tăng mạnh sản lượng từ OPEC+, Lybia…  Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya vừa cho biết sẽ tạm thời nối lại hoạt động tại kho dầu Zueitina sau khi tạm ngừng hoạt động vào cuối tháng 4 do các cuộc biểu tình chính trị. Điều này góp phần làm hạ nhiệt nguồn cung trong thời gian qua. 

Ngoài ra, một đồng USD treo ở mức cao cũng tạo áp lực khiến giá dầu thô đi xuống trong những phiên giao dịch gần đây.

Trong khi đó, EU được cho là đang nghiêng về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Động thái này có thể đẩy giá dầu lên cao hơn khi nguồn cung dầu lớn của Nga bị gián đoạn.

Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga là sang EU, cung cấp khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU vào năm 2020.

Trong khi các nước phương Tây hạn chế mua dầu của Nga do các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và bảo hiểm đối với dầu xuất khẩu của nước này, tác động đối với nguồn cung toàn cầu đã tăng lên khi Ấn Độ đang tăng cường mua dầu Nga với giá rẻ. Các nhà phân tích của ngân hàng Royal Bank of Canada ước tính nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đã tăng từ dưới 100.000 thùng/ngày vào năm 2021 lên 800.000 thùng/ngày vào tháng 4/2022 và dự kiến Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu miễn là Washington không áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp.

giá dầu

Dự báo, giá dầu có thể giảm trong 3 ngày đầu tiên của tuần, khi sự tập trung của nhà đầu tư đổ dồn vào quyết định lãi suất mới của Fed. Các bảng phân tích kỹ thuật đối với giá dầu WTI cũng gợi ý kết quả tương tự.

Theo Dixit, giám đốc phân tích kỹ thuật tại skcharting.com chia sẻ:  “Giá dầu WTI sẽ một lần nữa kiểm chứng các mốc hỗ trợ 101 USD và 98 USD/thùng của tuần trước. Nếu như ngưỡng kháng cự 105-108 USD/thùng hấp dẫn đủ người mua, giá dầu hoàn toàn có thể tăng lên ngưỡng 109-113 USD/thùng, thậm chí tăng cao hơn lên 116 USD/thùng”/.

Nguyên Hà