Giá dầu thế giới 23/1: Nhà đầu tư lo ngại, giá dầu đồng loạt quay đầu giảm

Giá dầu thế giới ngày 23/1 ghi nhận giá dầu rời sâu dưới đỉnh 2 tháng sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế năm 2018 kém lạc quan và Mỹ quyết định hủy cuộc gặp với Trung Quốc trước vòng đàm phán thương mại tiếp theo.

Tính đến 9h sáng 23/1, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2019 trên sàn New York Mercantile Exchange ở mức 53,14 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với đầu phiên giao dịch ngày 21/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2019 đã giảm 0,55 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu brent giao tháng 3/2019 đứng ở mức 61,64 USD/thùng, tăng 0,11 USD/thùng trong phiên và giảm 0,95 USD/thùng so với đầu phiên giao dịch ngày 21/1.

Còn theo ghi nhận trên ifc markets, đầu giờ ngày 23/1, theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 52,76 USD/thùng và cao nhất là 52,82 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu WTI đứng ở mức 52,73 USD/thùng. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 23/1 là 52,71 USD/thùng.

Với dầu brent, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 61,42 USD/thùng và cao nhất là 61,47 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu brent đứng ở mức 61,40 USD/thùng. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 23/1 là 61,36 USD/thùng.

Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong 2 phiên giao dịch gần đây chủ yếu do giới đầu đầu tư lo ngại nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khó đạt được kết quả như kỳ vọng khi thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hủy các cuộc thảo luận với Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa 2 nước.

Ở một diễn biến khác, ngày 21/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 2,9%, trong khi kinh tế Trung Quốc năm 2018 tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, chậm nhất trong 28 năm.

Phản ứng trước những thông tin trên, trong phiên giao dịch ngày 22/1, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có phiên giảm điểm mạnh. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, hỉ số Dow Jones giảm 301,87 điểm (-1,22%), xuống 24.404,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,81 điểm (-1,42%), xuống 2.632,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 136,87 điểm (-1,91%), xuống 7.020,36 điểm.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 69,20 điểm (-0,99%), xuống 6.901,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,09 điểm (-0,41%), xuống 11.090,11 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 20,24 điểm (-0,42%), xuống 4.847,53 điểm.

Còn tại châu Á, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 96,42 điểm (-0,47%), xuống 20.622,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 30,81 điểm (-1,18%), xuống 2.579,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 191,09 điểm (-0,70%), xuống 27.005,45 điểm.

Chuyên gia phân tích tại ngân hàng Commerzbank trong một nghiên cứu đã viết: “Giá dầu chịu nhiều áp lực do những nỗi lo về kinh tế. Hôm qua, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đặc biệt bởi triển vọng tăng trưởng ngày một yếu đi tại châu Âu. Cơ quan hoạch định chính sách tại Trung Quốc dự báo về khả năng kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt”.

 

Hà Lê (Petrotimes)