Giá dầu thế giới hướng tới mốc cao kỷ lục mới và ứng phó của các nước

Giá dầu thô thế giới đang hướng tới mốc cao kỷ lục mới với mức tăng gần 20% kể từ đầu năm 2022. Đây là sự nối dài xu hướng tăng giá gần 50% trong năm 2021. Trong tình hình hiện nay, các quốc gia đều có chủ trương và các giải pháp khác nhau nhằm ứng phó với việc giá dầu leo thang ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.

Với Mỹ, ngày 8/2/2022, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã có phát biểu đáng chú ý đối với diễn biến giá dầu thô thế giới hiện nay, rằng: “Không nhà sản xuất dầu nào trên toàn thế giới nên kìm hãm nguồn cung khi nhu cầu đang tăng lên, đặc biệt là khi sự phục hồi sau đại dịch đang tiếp tục”. Theo bà Jen Psaki, nhằm đảm bảo thị trường năng lượng ổn định, Chính phủ Mỹ đang tạm gác các vấn đề khác để tập trung giải quyết việc giá xăng dầu tăng cao bằng tất cả các công cụ quản lý của nước này.

Mỹ hiện đang đàm phán với các nước sản xuất dầu về đề xuất tăng sản lượng, trong khi với các nước tiêu thụ dầu, Mỹ cũng đang thảo luận về việc giải phóng các nguồn dự trữ chiến lược. Trước đó, Mỹ đã giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) vào tháng 11/2021 nhằm giảm giá xăng trong một nỗ lực phối hợp với các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác.

Ngoài các cuộc đàm phán với các quốc gia sản xuất dầu và tiêu thụ dầu, Mỹ đang xem xét thực hiện mọi giải pháp điều tiết hữu hiệu trong nước để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu đầu cơ, thao túng nào trên thị trường xăng dầu của nước này.

Cụ thể, các nhà chức trách đã thảo luận với các công ty khai thác dầu thô và lọc hoá dầu trong nước, cân nhắc việc giảm bớt các gánh nặng tài chính liên quan đến việc xử lý môi trường, khí thải mê-tan từ quá trình khai thác dầu, sản xuất lọc hoá dầu nhằm giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, từ đó hạ giá xăng dầu bán ra thị trường.

Với Trung Quốc, dự báo được đưa ra vào ngày 6/02/2022 của Vitol Group nhận định, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục được đẩy cao hơn nữa bởi Trung Quốc có khả năng mua bổ sung kho dự trữ dầu thô của mình sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và các nhà đầu tư tài chính tăng mua đầu cơ.

“Đối với Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, giá có vẻ vẫn chưa đủ cao để giảm tiêu thụ. Cho đến tận ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc mua dầu thô ở mức giá cao”, Muller - người đứng đầu khu vực châu Á của Vitol Group cho biết.

Tại Nhật Bản: Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Chính phủ nước này tăng trợ cấp xăng cho các nhà phân phối xăng dầu từ mức 3,7 Yên/lít lên mức 5 Yên/lít trong tuần bắt đầu từ ngày 10/2/2022. Đây là mức trần cao nhất đối với trợ cấp cho doanh nghiệp xăng dầu nước này nhằm ngăn chặn đà tăng mạnh của giá nhiên liệu thế giới.

Từ ngày 27/1/2022, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai mức trợ cấp hàng tuần cho các doanh nghiệp phân phối nếu giá xăng bán lẻ vượt ngưỡng 170 Yên.

Tại Thái Lan: Ngay từ thời điểm tháng 10/2021 khi giá dầu thô thế giới tăng vọt vượt ngưỡng 85 USD/thùng và nền kinh tế vẫn gặp khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Thái Lan đã nới trần cho giá bán lẻ xăng, dầu trong nước thông qua khoản hỗ trợ được tài trợ bởi Quỹ dầu mỏ của đất nước và một khoản vay. Cụ thể, mở rộng trần giá dầu diesel lên 30 Baht (0,8987 USD)/lít và chưa xác định thời gian kết thúc chính sách này.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow, với hạn mức Quỹ dầu mỏ hiện tại khoảng 9 tỷ Baht (269,5 triệu USD) và khoản vay 20 tỷ Baht có thể hỗ trợ giá xăng dầu trong nước ít nhất khoảng 4 - 5 tháng, nếu giá dầu toàn cầu vẫn duy trì ở mức trên 87,5 USD/thùng. Sau đó, nếu Quỹ dầu mỏ không đủ khả năng tiếp tục hỗ trợ, Bộ Năng lượng Thái Lan và Bộ Tài chính sẽ làm việc để xem xét triển khai các biện pháp khác, bao gồm cả việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. “Tất cả nhằm ổn định giá nhiên liệu trong nước và giảm bớt lo ngại của người tiêu dùng trong bối cảnh không thuận lợi khi giá dầu toàn cầu tăng gần như hàng ngày”, ông Supattanapong cho hay.

Hoàng Phương