Giá dầu thô 13/6: Giảm mạnh trước dự báo nguồn cung tăng nhưng nhu cầu suy yếu

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 13/6, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm sau khi mất gần 3 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm qua. Thị trường lo ngại nguồn cung dầu thời gian tới sẽ tăng lên trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu hơn kỳ vọng.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 72,21 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 67,35 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, cả hai loại dầu thô chủ chốt của thị trường năng lượng thế giới đã giảm mạnh, khoảng 3 USD/thùng, sau khi một số tổ chức kinh tế lớn nâng dự báo triển vọng nguồn cung dầu thô thời gian tới, trái ngược với các nhận định được đưa ra trước đây là nguồn cung dầu toàn cầu có thể suy yếu trong nửa cuối năm nay.

Trong đó, tập đoàn Goldman Sachs (Hoa Kỳ) hạ dự báo giá dầu thô Brent vào cuối năm nay xuống còn 86 USD/thùng, so với mức 95 USD/thùng được đưa ra trước đó, với nhận định nguồn cung dầu từ Nga và Iran sẽ tăng cao hơn các dự báo trước đây.

Đồng thời, thị trường lo ngại tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong nửa cuối năm nay sẽ ở mức thấp khi các dữ liệu kinh tế mới nhất đều yếu hơn kỳ vọng. Đáng chú ý, đà phục hồi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc, kéo theo đó là triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này yếu theo.

Nhận định về diễn biến giá dầu thô hiện tại, ông Tatsufumi Okoshi, Nhà kinh tế học cấp cao tại hãng chứng khoán Nomura Securities (Nhật Bản), cho biết một bộ phận giới đầu tư đã mua vào khi giá dầu thô sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch 12/6 với kỳ vọng rằng Saudi Arabia có thể sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác.

Trước đó, ngày 4/6, Saudi Arabia đã bất ngờ tuyên bố tự nguyện giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây; mức cắt giảm này tương đương 10% tổng sản lượng khai thác hiện nay của nước này và gần bằng 1% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Đồng thời, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết việc cắt giảm sản lượng khai thác của nước này “có thể được gia hạn” nếu cần thiết. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman khẳng định "sẽ làm mọi thứ cần thiết để đem lại sự ổn định cho thị trường năng lượng" trong bối cảnh giá dầu phải chịu áp lực lớn từ những dự báo kinh tế không tích cực tại nhiều quốc gia, tiêu biểu là Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các động thái quyết liệt của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ giúp ngăn giá dầu thô giảm xuống qua sâu, hình thành vùng giá sàn của dầu thô Brent ở khoảng 70 USD/thùng.

Ông Tatsufumi Okoshi dự báo giá dầu thô WTI sẽ dao động trong khoảng từ 62,5 - 75 USD/thùng trong mùa Hè này, và chủ yếu sẽ được giao dịch dưới ngưỡng 70 USD/thùng. Hiện mức chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và dầu thô WTI ở khoảng 4,5 USD/thùng.

Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến phiên họp định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) diễn ra trong ngày 13 – 14/6 (theo giờ địa phương). Hầu hết các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư nhận định rằng FED sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp lần này. Điều này có thể sẽ giảm bớt đà tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác, giúp nâng đỡ phần nào giá dầu thô trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, diễn biến chính sách tiền tệ tại các khu vực kinh tế lớn khác trên thế giới có thể sẽ không đồng pha với FED. Thị trường hiện dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong phiên họp ngày 15/6 tới đây (theo giờ địa phương) trong bối cảnh lạm phát tại châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu thực sự đảo chiều. Ngược lại, vào ngày 16/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm kích thích lạm phát.

Tường Vy