Giá dầu thô 14/9: Tiếp tục tăng, OPEC dự báo tích cực về nhu cầu dầu toàn cầu

Giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng lên trong phiên giao dịch sáng nay (14/9) khi OPEC nhận định tích cực về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu.
Giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 14/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng nhẹ 0,19% lên 93,33 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 tăng 0,23% lên 87,51 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 0,9% xuống mức 93,17 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 0,5% xuống 87,31 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu đến từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, và tăng 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Đồng thời, OPEC lưu ý rằng các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang ở mức tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Chuyên gia phân tích thị trường Tina Teng thuộc hãng chứng khoán CMC Markets (Anh) cho biết “Việc giá dầu thô có các động thái phục hồi gần đây cho thấy tình trạng căng thẳng nguồn cung tiếp tục là vấn đề chính, chi phối thị trường dầu thô giao ngay hiện nay, đặc biệt là sau khi OPEC giữ nguyên dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.”

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ từ các thông tin cho thấy Chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc việc tái bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược khi mức tồn trữ dầu thô chiến lược chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/1984, và khả năng thoả thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây khó có thể sớm đạt được.

Tuy nhiên, giá dầu thô cũng chịu áp lực biến động trong bối cảnh Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Hoa Kỳ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp việc giá năng lượng trong tháng 8 đã giảm 5% so với hồi tháng 7.

Mức chỉ số CPI này cũng gây bất ngờ với thị trường khi trước đó, các chuyên gia kinh tế khi kỳ vọng chỉ số CPI của Hoa Kỳ trong tháng  8 sẽ giảm 0,1%.

Chỉ số CPI cao hơn dự báo sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống lại lạm phát nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Thị trường hiện dự báo FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong phiên họp chính sách diễn ra vào tuần tới. Thậm chí, sau khi chỉ số CPI mới được công bố, dữ liệu của tập đoàn tài chính CME Group (Hoa Kỳ) cho thấy thị trường dự đoán 10% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm ở mức 1%.

Nhiều chuyên gia phân tích đã liên tục cảnh báo việc FED siết chặt chính sách tiền tệ sẽ làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế, thậm chí đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng giao dịch tại tập đoàn tài chính BOK Financial (Hoa Kỳ), cho biết “Việc FED có thể đẩy nhanh hơn việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ tạo áp lực tiêu cực lên tâm lý thị trường dầu thô giao sau và khiến đồng USD mạnh hơn”.

Đồng USD tăng giá sẽ khiến các mặt hàng nguyên liệu thô trên thị trường hàng hoá giao sau như dầu thô, vốn được định giá bằng đồng USD, trở nên “đắt đỏ” hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tường Vy