Giá dầu thô 15/8: Tiếp tục điều chỉnh giảm, dự báo giá dầu có thể đạt 120 USD/thùng vào mùa Đông năm nay

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 15/8, giá dầu thô thế giới tiếp tục điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects nhận định giá dầu thô có thể quay trở lại mức 120 USD/thùng vào mùa Đông năm nay do tình trạng căng thẳng nguồn cung.
giá dầu thô thế giới hôm nay
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 11h00 hôm nay ngày 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 1,31% xuống mức 97,32 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,87% xuống 91,29 USD/thùng.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 3,4% và giá dầu thô WTI tăng 3,5%. Trước đó, trong tuần đầu tiên của tháng 8, giá dầu thô Brent đã lao dốc, mất tới 14% do lo ngại lạm phát và môi trường lãi suất cao trên toàn cầu sẽ khiến nền kinh tế thế giới giảm tốc, kéo theo đó là sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.

Thị trường hiện đang đánh giá các quan điểm trái ngược về dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trong ngày 11/8, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay xuống mức 3,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,26 triệu thùng/ngày so với lần dự báo gần nhất.

Trong khi đó, IEA lại cho biết việc giá khí đốt tăng cao kỷ lục đang khiến nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu thay cho khí đốt để sản xuất điện, điều này giúp nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên. IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay lên thêm 2,1 triệu thùng/ngày.

Ở một diễn biến khác, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Amrita Sen thuộc hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh) cho biết giá dầu thô có thể tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn nhưng mặt hàng này sẽ nhanh chóng tăng trở lại mức 120 USD/thùng trong mùa Đông tới đây do tình trạng căng thẳng nguồn cung nghiêm trọng.

Bà Amrita Sen cho biết giá xăng dầu mặc dù đã giảm xuống nhưng nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc vẫn đang tiếp tục áp dụng chiến lược phong toả để kiểm soát đại dịch Covid-19 làm suy yếu năng lực lọc hoá dầu của nước này, kéo theo đó là nguồn cung các sản phẩm lọc hoá ra thị trường quốc tế. Dự báo nguồn cung nhiên liệu, đặc biệt là sau tháng 11, sẽ trở nên “rất khan hiếm”, bà Amrita Sen nói.

Vào ngày 1/11 tới đây, Hoa Kỳ sẽ tạm dừng việc xả bán dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này ra thị trường. Vào đầu tháng 3 năm nay, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã quyết định bán ra 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho SPR nhằm “hạ nhiệt” giá nhiên liệu trên thị trường. Trong tuần trước, dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng dầu tại kho SPR của Hoa Kỳ đã chạm mức thấp nhất trong gần 40 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, vào ngày 1/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này sẽ buộc EU phải tìm kiếm nguồn cung từ các đối tác khác để thay thế khoảng trống nguồn cung từ Nga. Do đó, bà Amrita Sen nhận định “Tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng tôi (Energy Aspects) vẫn duy trì dự báo giá dầu thô có thể đạt 120 USD/thùng”.

Tường Vy