Giá dầu thô 16/9: Thị trường chịu tác động từ hàng loạt tin tiêu cực

Giá dầu thô thế giới trong phiên giao dịch sáng 16/9 chịu tác động từ hàng loạt tin tiêu cực. Thị trường gia tăng lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế và nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu ở mức yếu.
giá dầu thô thế giới ngày hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 16/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giao dịch quanh mức 91,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao  tháng 10/2022 đạt 85,40 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 15/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm mạnh 3,5% xuống còn 90,84 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng  giảm 3,8% xuống còn 85,10 USD/thùng. Đây đều là những mức giá chốt phiên thấp nhất trên thị trường dầu mỏ giao sau kể từ ngày 8/9/2022 và giá dầu thô thế giới hiện hướng đến tuần giảm giá thứ ba liên tiếp.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh ngay sau khi các công ty vận tải đường sắt Hoa Kỳ và các nghiệp đoàn đại diện cho hơn 115.000 nhân viên ngành đường sắt nước này đạt thoả thuận lao động tạm thời phút chót. Qua đó, giúp nền kinh tế Hoa Kỳ tránh được nguy cơ tê liệt hệ thống vận chuyển nhiên liệu bằng đường sắt.

Trước đó, hai nghiệp đoàn lớn đại diện cho gần 60.000 nhân viên ngành đường sắt cảnh báo sẽ tiến hành đình công nếu như không đạt được thoả thuận với các hãng vận tải đường sắt trước ngày 17/9.

Ước tính, sự gián đoạn của hệ thống vận tải đường sắt, vốn chuyên chở khoảng 30% tổng khối lượng hàng hoá của Hoa Kỳ, sẽ gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung nhiên liệu và hàng hoá, gây thiệt hại kinh tế 2 tỷ USD/ngày đối với Hoa Kỳ.

Thị trường hiện cũng lo ngại hơn về các rủi ro suy thoái kinh tế và triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết mặc dù nhu cầu sử dụng dầu cho sưởi ấm trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng gấp đôi so với năm trước nhưng tổng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu gần như sẽ không tăng thêm trong quý 4/2022 do nhu cầu sử dụng của Trung Quốc ở mức yếu.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Các yếu tố nền tảng trên thị trường dầu mỏ giao sau đa phần đều mang tính chất tiêu cực khi triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc hiện vẫn là ẩn số lớn cùng với đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ giảm tốc”.   

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hiện đang phải phong toả hàng chục thành phố, bao gồm cả những đại đô thị như Thành Đô với 21 triệu dân và trung tâm sản xuất quan trọng như Thâm Quyến. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hàng loạt hoạt động kinh tế tại nước này, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu.  

Trong khi đó, lạm phát tại Hoa Kỳ trong tháng 8 bất ngờ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù giá năng lượng đã giảm tới 5%. Việc lạm phát tiếp tục neo quanh mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây khiến thị trường lo ngại FED có thể mạnh tay tăng lãi suất thêm 0,75 – 1 điểm phần trăm trong phiên họp diễn ra vào tuần tới bất chấp điều này khiến Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế cao hơn.

Tâm lý tiêu cực trên thị trường còn đến từ thông tin Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết Chính phù Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ không thu mua dầu thô để tái bổ sung cho kho dự trữ dầu thô chiến lược (SPR) cho đến sau năm tài chính 2023.

Tường Vy