Giá dầu thô 18/8: Giá dầu được nâng đỡ nhờ các dữ liệu tích cực về nhu cầu sử dụng tại Hoa Kỳ

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 18/8, giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ các dữ liệu tích cực về nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thị trường cũng đang đánh giá các thông tin về tình hình xuất khẩu dầu thô của Nga cũng như rủi ro suy thoái kinh tế.
giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 18/8, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 được giao dịch quanh mức 93,63 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng  9/2022 đạt 87,99 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,42% lên 93,65 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá mặt hàng này giảm xuống chỉ còn 91,51 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây do thị trường ngày càng lo ngại về khủng hoảng kinh tế. Giá dầu thô WTI cũng tăng 1,8% lên 88,11 USD/thùng.

Giá dầu thô đã được hỗ trợ tích cực khi dữ liệu chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy lượng dầu thô tồn trữ tại nước này trong tuần trước đã giảm mạnh 7,1 triệu thùng, xuống còn 425 triệu thùng. Mức giảm này cao hơn nhiều so với dự báo giảm 275.000 thùng của giới phân tích đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, lượng tồn trữ xăng tại Hoa Kỳ cũng giảm tới 4,6 triệu thùng, cao hơn mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của giới quan sát.

Lượng dầu thô xuất khẩu của Hoa Kỳ trong tuần trước cũng tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 5 triệu thùng ngày, chủ yếu do giá dầu thô WTI giảm sâu so với giá dầu thô Brent, khiến dầu thô WTI trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà máy lọc hoá dầu nước ngoài. Các tín hiệu này cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn ở mức tương đối tốt, qua đó củng cố niềm tin trên thị trường.

Chuyên gia phân tích thị trường Phil Flynn từ hãng tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures (Hoa Kỳ) cho biết các dữ liệu mới của Chính phủ Hoa Kỳ đã phần nào “xoa dịu” thị trường trước các lo ngại về nhu cầu nhiên liệu đã suy yếu và rủi ro này “có vẻ đã bị lo ngại thái quá”.

Tuy nhiên, giá dầu thô cũng đang chịu sức ép từ các dấu hiệu cho thấy Nga đang dần tăng sản lượng khai thác dầu thô trở lại bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đồng thời, các quốc gia châu Á vẫn đang gia tăng mua dầu thô của nước này.

Hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Nga đã nâng dự báo kim ngạch xuất khẩu năng lượng của nước này trong năm nay lên 337,5 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2021. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga dường như không bị ảnh hưởng nhiều như các đã dự báo trước đây.

Đồng thời, rủi ro suy thoái kinh tế vẫn đang đe doạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 7 đã lên tới 10,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu chi tiêu và sử dụng năng lượng của các hộ gia đình.

Chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam từ hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ) cảnh báo “Thị trường dầu mỏ đang ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro giảm giá do triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đảm cũng như sự không chắc chắn về chính sách kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc”.

Về phía nguồn cung, thị trường đang chờ đợi các thông tin mới về đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới. Iran vừa phản hồi tới EU về văn bản “cuối cùng” tại các cuộc đàm phán, tuy nhiên hiện chưa có thông tin chi tiết về phản hồi này được công bố. Trước đó, Ngoại trưởng Iran đã kêu gọi Hoa Kỳ cần phải linh hoạt tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại giữa Iran và các quốc gia có liên quan trong thoả thuận hạt nhân.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nếu Iran tăng cường xuất khẩu dầu thô ra thị trường quốc tế thì giá dầu thô thế giới trong năm sau có thể giảm từ 5 – 10 USD/thùng. Hiện Goldman Sachs dự báo giá dầu thô thế giới trong năm 2023 ở mức trung bình 125 USD/thùng.

Tường Vy