Giá dầu thô 21/6: Giảm phiên thứ ba liên tiếp, lo ngại nền kinh tế Trung Quốc suy yếu

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 21/6, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại rủi ro giảm tốc đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn hơn.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 10h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 76,10 USD/thùng; và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,50 USD/thùng, hướng đến phiên giảm giá thứ ba liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent giảm 0,3% và giá dầu thô WTI giảm 1,8%, lần lượt đạt 75,90 USD/thùng và 70,50 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong bối cảnh thị trường tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc khi đà tăng trưởng của nước này đang có dấu hiệu suy yếu. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn một năm và kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, đa phần giới phân tích cho rằng việc cắt giảm 10 điểm cơ bản không hỗ trợ đáng kể đối với nền kinh tế. Đồng thời, mức cắt giảm này thấp hơn mức dự báo giảm ít nhất 15 điểm cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn 5 năm được các nhà kinh tế học đưa ra trước đó.

Hai chuyên gia phân tích kinh tế Julian Evans-Pritchard và Zichun Huang thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho biết “Trên thực tế, việc cắt giảm 10 điểm cơ bản là một động thái quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với các điều kiện tiền tệ, nhất là khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc hiện đã thấp hơn lãi suất điều hành của PBoC”.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính ANZ nhận định “Giới đầu tư đang mất kiên nhẫn đối với các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Việc Chính phủ Trung Quốc chậm triển khai các biện pháp kích thích kinh tế làm tăng thêm mối lo ngại rằng rủi ro giảm tốc đối với nước này ngày càng gia tăng.”

Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm từ việc đồng USD mạnh trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Điều này khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn, kém hấp dẫn với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang giữ tâm lý thận trọng khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 21/6 (theo giờ địa phương). Các thông tin tại phiên điều trần này có thể cho thấy rõ hơn quan điểm chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới.

Trong tuần trước, FED đã quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp; tuy nhiên, cơ quan này lại phát tín hiệu cho thấy có thể còn 2 lần tăng lãi suất nữa trong nửa cuối năm nay.

Thị trường dầu mỏ hiện cũng chờ đợi các dữ liệu mới về mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích nhận định lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm 400.000 thùng trong tuần trước. Dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 22/6 (theo giờ địa phương).

Tường Vy