Giá dầu thô 23/9: Tăng nhẹ, thoả thuận hạt nhân Iran rơi vào bế tắc

Giá dầu thô thế giới trong sáng nay 23/9 tiếp tục tăng nhẹ sau thông tin thoả thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran rơi vào bế tắc.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 23/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giao dịch quanh mức 90,49 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 đạt 83,54 USD/thùng.  

Chốt phiên giao dịch ngày 22/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã tăng 0,2% lên 90,62 USD/thùng và giá dầu thô WTI cũng tăng gần 0,3% lên 83,71 USD/thùng.

Giá dầu thô được nâng đỡ sau thông tin một quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ các nỗ lực khôi phục thoả thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran đang bị đình trệ khi Iran kiên quyết yêu cầu phải chấm dứt các hoạt động thanh sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và nội dung các bài phát biểu cho thấy quan điểm khác biệt của hai nhà lãnh đạo đối với vấn đề thoả thuận hạt nhân. Qua đó, cho thấy dù đã mất nhiều tháng để các cường quốc phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ và Iran đàm phán về việc khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 nhưng hiện cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ, khiến triển vọng phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận nhắm vào Iran, bao gồm cả ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này, trở nên thiếu chắc chắn hơn.

Trước đó,  vào ngày 8/8, Liên minh châu Âu (EU)  đã chuyển “văn bản cuối cùng” của dự thảo về việc khôi phục thoả thuận hạt nhân đến Hoa Kỳ và Iran, và kỳ vọng hai bên sẽ sớm đạt sự đồng thuận.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ từ việc Nga ban bố lệnh động viên một phần lực lượng quân nhân dự bị tại nước này trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tại Ukraine diễn biến phức tạp. Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai.

Điều này có thể khiến phương Tây siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga, bao gồm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Kể từ tháng 12 tới đây, lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực.

Thị trường cũng đón nhận một số thông tin tích cực về dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô tại Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trở lại khi có ít nhất 3 nhà máy lọc hoá dầu quốc doanh và 1 nhà máy lọc hoá dầu tư nhân quy mô lớn tại Trung Quốc cho biết sẽ nâng công suất trong tháng 10 cao hơn tới 10% so với tháng 9.

Trong khi đó, hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh SHZQ Futures (Trung Quốc) cho biết công suất hoạt động trung bình tại các nhà máy lọc hoá dầu quốc doanh của Trung Quốc trong tuần trước đã đạt 73,74%, tăng 2,56% so với mức trung bình của tuần cuối cùng tháng 8.

Dữ liệu cũng cho thấy công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu tư nhân tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã bật tăng trở lại trong tuần trước, sau 5 tuần giảm liên tiếp. Tổng công suất của các nhà máy lọc hoá dầu này chiếm 1/5 tổng công suất lọc hoá dầu của Trung Quốc.

Tường Vy