Giá dầu thô 27/4: Mất gần 4% khi dữ liệu sản xuất chế tạo tháng 3 của Hoa Kỳ giảm mạnh

Trong sáng nay 27/4, giá dầu thô giao dịch quanh mức 78 USD/thùng. Giá dầu thô mất gần 4% trong phiên giao dịch hôm qua khi dữ liệu sản xuất chế tạo tháng 3 của Hoa Kỳ yếu hơn đáng kể so với dự báo; đồng thời, dữ liệu tháng 2 cũng được điều chỉnh giảm mạnh.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 78,07 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas đạt 74,50 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô đã lao dốc mạnh, mất gần 4% khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi lo ngại nền kinh tế Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hoá lâu bền (không phục vụ mục đích quân sự) tại Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua đã giảm 0,4%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 0,1% của giới phân tích.

Đồng thời, dữ liệu về lượng đơn đặt hàng trong tháng 2 trước đó cũng được điều chỉnh giảm 0,7%, so với mức giảm 0,1% được thông báo ban đầu. Qua đó, cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại Hoa Kỳ đang ngày càng suy yếu hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất lên mức cao để kiềm chế lạm phát. Hoạt động sản xuất chế tạo suy giảm có thể khiến tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của Hoa Kỳ ở mức thấp hơn kỳ vọng của thị trường do hoạt động sản xuất chế tạo đóng góp hơn 11% trong tổng tăng trưởng GDP hàng năm của Hoa Kỳ.

Đà giảm của giá dầu thô phần nào được kìm hãm khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước đã giảm 5,1 triệu thùng. Con số này cao hơn nhiều lần so với mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng của giới phân tích.

Hiện thị trường đang chờ đợi những thông tin mới về nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là dữ liệu tăng trưởng kinh tế và lạm phát, để đánh giá sát hơn chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới. Hiện FED được nhận định nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp định kỳ vào đầu tháng 5 tới đây.

Thị trường hiện cũng đang hoài nghi về vấn đề nguồn cung dầu thô trên thị trường. Mặc dù liên minh OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô kể từ tháng 5 nhưng nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường hiện vẫn tương đối dồi dào. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong liên minh OPEC+, sau Saudi Arabia.

Dữ liệu cho thấy lượng dầu thô được Ấn Độ nhập khẩu từ khối OPEC trong năm tài chính 2022/2023 đã chạm mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, chủ yếu do nước này gia tăng nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga. Tương tự, Trung Quốc cũng đang tăng cường thu mua dầu thô của Nga. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hiện nay.

Hãng tin Reuters cho biết lượng dầu thô được chuyên chở từ các cảng phía tây nước Nga trong tháng 4 có thể đạt tới 2,4 triệu thùng/ngày, chạm mức cao nhất kể từ năm 2019 bất chấp việc Nga cho biết nước này đang cắt giảm mạnh sản lượng nhằm phản đối việc phương Tây áp giá trần đối với dầu thô Nga. Dữ liệu cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh đang gia tăng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga.

Tường Vy