Giá dầu thô bất ngờ lao dốc mạnh, thị trường lo ngại Hoa Kỳ sớm siết chặt chính sách tiền tệ

Giá dầu thô thế giới bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam) khi giới đầu tư bán tháo các hợp đồng dầu thô do lo ngại tình trạng lạm phát tăng vọt sẽ khiến Hoa Kỳ nhanh chóng siết lại các chính sách tiền tệ.

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 phục hồi nhẹ 0,11% lên 82,69 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 12/2021 cũng tăng nhẹ 0,11% lên 81,43 USD/thùng.

giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 11/10 đến 11/11/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giảm 2,5% xuống 82,64 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent tăng vọt lên mức 85,50 USD/thùng. Giá dầu thô WTI chốt phiên giao dịch giảm 3,3% xuống còn 81,34 USD/thùng; trong phiên giao dich, giá dầu thô WTI đã có lúc chạm ngưỡng 84,97 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư xả bán ồ ạt các loại tài sản đầu tư có tính rủi ro cao như cổ phiếu và hàng hoá do lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể siết chặt các chính sách tiền tệ hơn nhằm kiềm chế lạm phát.

Dữ liệu mới được công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ trong tháng 10 vừa qua đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. CPI lõi (nếu loại ra giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng 4,6% so với năm ngoái – cao nhất kể từ tháng 8/1991. Lạm phát leo thang có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến. Trước đó, cơ quan này đã phát tín hiệu cho thấy sẽ giảm quy mô gói mua trái phiếu trong vài tuần tới, dù chưa có ý định nâng lãi suất trong tương lai.

Lo ngại về việc FED sớm siết chặt các chính sách tiền tệ cũng thúc đẩy đồng USD tăng giá; qua đó, khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 1 triệu thùng. Mặc dù mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,1 triệu thùng của giới phân tích nhưng lượng tăng thêm chủ yếu là do Hoa Kỳ xả bán ra thị trường 3,1 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược. Đây là mức xả bán dầu thô lớn nhất của Chính phủ Hoa Kỳ kể từ hồi tháng 7/2017.

Cuối tuần trước, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cho biết có các công cụ cần thiết để kiềm chế đà tăng của giá dầu thô trong bối cảnh liên minh OPEC+ kiên quyết không tăng mạnh sản lượng khai thác dầu thô trong những tháng cuối năm nay.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một số nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ nhận định giá dầu thô có thể tiếp tục duy trì đà tăng trong những tháng tới đây. Tuy nhiên, việc giá dầu thô tăng vọt sẽ kích thích các hãng khai thác dầu đá phiến đẩy mạnh mở rộng sản xuất, khiến nguồn cung gia tăng và tạo áp lực trở lại lên giá dầu.

Ngoài ra, một số nhà phân tích cảnh báo việc ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ phát triển mạnh trở lại có thể khiến liên minh OPEC+ tăng mạnh nguồn cung dầu thô nhằm giữ thị phần. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu tăng vọt và thị trường rơi vào tình trạng dư cung.

Duy Quang