Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 26/9 đến 25/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 25/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã tăng 0,84% lên 86,25 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 tăng mạnh 1,04% lên 84,62 USD/thùng – mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent tăng 1%, xác lập tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp và giá dầu thô WTI tăng 1,7%, ghi nhận tuần tăng giá thứ 9 liên tiếp.

Ông Toshitaka Tazawa, chuyên gia phân tích tại hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh Fujitomi Securities Co Ltd. (Nhật Bản), nhận định tâm lý tích cực và kỳ vọng của giới đầu tư đang hỗ trợ giá dầu thô tăng cao hơn trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt nhưng nhu cầu vẫn đang tăng lên khi nhiều khu vực tái mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Toshitaka Tazawa cũng cảnh báo đà tăng của giá dầu thô WTI có thể bị suy yếu khi thị trường dầu thô WTI xuất hiện tình trạng “bù hoãn bán” (backwardation) trong những phiên giao dịch gần đây. Theo đó, giá dầu thô WTI của các hợp đồng giao tháng 12/2021 và tháng 1/2022 đang có giá thấp hơn hợp đồng giao tháng 11/2021. Thông thường, các hợp đồng có kỳ hạn dài hơn sẽ có giá cao hơn các hợp đồng có kỳ hạn gần do phản ánh chi phí lưu giữ dầu thô.

Bên cạnh đó, giá dầu thô WTI còn chịu áp lực giảm khi dự báo thời tiết cho thấy mùa đông năm nay của Hoa Kỳ sẽ có nền nhiệt cao hơn thông thường, trái ngược với các lo ngại trước đây về một mùa đông khắc nghiệt. Điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu nhiên liệu để sưởi ấm giảm xuống.

Đà tăng của giá dầu thô trong những tuần gần đây được thúc đẩy chủ yếu bởi tình trạng giá than và giá khí tự nhiên trên toàn cầu tăng vọt. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung than và khí tự nhiên đang khiến nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều nhà máy sản xuất điện đã phải chuyển từ sử dụng khí sang dầu nhiên liệu để giảm chi phí, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu sử dụng dầu thô.

Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu thô và khí tự nhiên hoạt động tại Hoa Kỳ, chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm xuống mức 542 giàn khoan trong tuần trước. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống sau 7 tuần liên tiếp tăng lên.