Giá dầu thô Brent xác lập tuần giảm giá đầu tiên sau gần 2 tháng tăng liên tục

Giá dầu thô Brent đã tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch ngày 29/10, lên 84,38 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm 0,9%, xác lập tuần giảm giá đầu tiên sau gần 2 tháng tăng liên tục.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 30/9 - 30/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tăng gần như không đáng kể 6 cents lên 84,38 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,9% lên 83,57 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm 0,9% và giá dầu thô WTI giảm 0,22%, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 7 tuần liên tiếp của dầu thô Brent và chuỗi tăng giá kéo dài 9 tuần của dầu thô WTI.

Giá dầu thô đã chịu áp lực giảm kể từ phiên giao dịch ngày 27/10 khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng tới 4,3 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Bên cạnh đó, việc Iran thông báo sẽ tái khởi động đàm phán thoả thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới vào cuối tháng 11 tới đây khiến thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ sớm tăng lên nếu như nước này đạt được thoả thuận mới. Kể từ cuối năm 2018, Hoa Kỳ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào chương trình phát triển hạt nhân của Iran, bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.

Đà tăng vọt của giá dầu thô trong những tháng gần đây chủ yếu do lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt nghiêm trọng dầu thô vào cuối năm nay khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại. Liên minh OPEC+, vốn kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, hiện vẫn kiên định với kế hoạch chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây, bất chấp sức ép gia tăng từ nhiều quốc gia sử dụng dầu thô lớn như Hoa Kỳ và Ấn Độ. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo.

Trong ngày 28/10, Algeria – thành viên của liên minh OPEC+ cho biết khối này không nên tăng thêm sản lượng khai thác quá mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021 do lo ngại các rủi ro. Trước đó, một số thành viên liên minh OPEC+ cũng cho biết những bất ổn do đại dịch Covid-19 bùng phát có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh trở lại. Liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/11 tới đây nhằm đưa ra quyết định khai thác cho hai tháng cuối năm.

Một số nhà phân tích cho biết liên minh OPEC+ sẽ chỉ nâng đáng kể sản lượng khai thác nhằm bảo vệ thị phần nếu như các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ đẩy mạnh sản xuất. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho biết các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm các giàn khoan dầu và khí đốt trong tuần này, đánh dấu tháng tăng thứ 15 liên tiếp. Đây là chỉ báo cho thấy sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Hiện thị trường tập trung quan sát diễn biến đại dịch Covid-19 tại một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Châu Âu và Nga. Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc hiện đã lan rộng tới 11 tỉnh, thành phố của nước này chỉ trong vòng 2 tuần, buộc nước này phải phong toả một số thành phố có quy mô dân số lớn nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Trong khi đó, Nga hiện ghi nhận số ca tử vong Covid-19 cao nhất tại Châu Âu và vừa phải đóng cửa các cửa hàng, trường học và nhà hàng tại thủ đô Moscow trong 11 ngày nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Quang Đặng