Giá dầu thô chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, lo ngại đứt gãy nguồn cung từ Trung Đông

Giá dầu thô thế giới hiện đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây sau khi lực lượng phiến quân Houthi từ Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), khiến thị trường lo ngại nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông có thể bị gián đoạn.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI thế giới trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 18/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2021 đã chạm 87,48 USD/thùng, tăng 1,17% so với đầu phiên giao dịch; đây là mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2021 cũng tăng 1,59% lên 85,15 USD/thùng.

Giá dầu thô thế giới bật tăng mạnh khi thị trường lo ngại rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông có thể xảy ra sau khi nhóm phiến quân Houthi từ Yemen bất ngờ tấn công các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) trong ngày 17/1. Vụ tấn công diễn ra gần các kho dự trữ dầu mỏ của tập đoàn dầu dầu khí quốc gia Abu Dhabi National Oil Company (ADNOC) của UAE. Tập đoàn ADNOC cho biết đã khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung dầu cho các đối tác.

Ngay sau đó, liên quân do Ả-rập Xê-út đứng đầu đang tham chiến tại Yemen đã tiến hành không kích trả đũa lực lượng phiến quân. Phiến quân Houthi thường xuyên thực hiện các vụ tấn công sang lãnh thổ Ả-rập Xê-út nhưng ít khi tuyên bố tiến hành tấn công tương tự nhằm vào UAE.

Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính ANZ (Australia) nhận định các căng thẳng địa chính trị mới nhất tại khu vực Trung Đông xuất hiện đúng vào thời điểm nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu đang ở mức thấp. Đồng thời, tình trạng thời tiết giá lạnh tại khu vực Bắc Bán cầu đang khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu để sưởi ấm tăng cao, theo hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá CommSec (Australia).

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ sẽ khó sớm chấm dứt khi liên minh OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung theo kế hoạch đề ra. Tình trạng thiếu hụt các khoản đầu tư và ngưng khai thác các giếng dầu trong năm 2020, 2021 đã khiến việc nâng sản lượng hiện tại gặp nhiều vấn đề.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện đặt kế hoạch nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/tháng. Liên minh OPEC+ hiện chi phối hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tường Vy