Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 28/8 - 25/9/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 24/9, giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục tăng 1,1% lên 78,09 USD/thùng – mức giá chốt phiên giao dịch cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2021 cũng tăng 0,9% lên 73,98 USD/thùng – mức giá chốt phiên giao dịch cao nhất từ hồi tháng 7/2021. Đây cũng là tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá dầu thô.

Tập đoàn ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) dự báo giá dầu thô Brent có thể đạt ngưỡng 80 USD/thùng vào cuối tháng 9 tới đây khi dự trữ dầu thô tại nhiều nước giảm, sản lượng khai thác dầu thô từ OPEC ở mức thấp hơn kỳ vọng và nhu cầu sử dụng tăng cao.

Đà tăng giá của dầu thô chủ yếu nhờ tình trạng suy giảm nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ dưới tác động của siêu bão Ida kéo dài hơn dự kiến. Giới quan sát cho biết một số thiệt hại do siêu bão Ida gây ra khi đổ bộ vào khu vực Vịnh Mexico hồi cuối tháng 8 vừa qua có thể mất đến vài tháng để khắc phục, khiến hoạt động khai thác dầu thô tại khu vực này tiếp tục ở mức thấp hơn thông thường. Sản lượng dầu thô từ Vịnh Mexico chiếm khoảng 17% tổng sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu đang phục hồi về ngang bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đã khiến mức dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới suy giảm. Do suy giảm nguồn cung từ Vịnh Mexico, các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đang phải tăng cường nhập khẩu dầu từ Iraq và Canada. Lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 8 vừa qua đã bật tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Ông Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao từ hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định mức giá cao của dầu thô hiện nay đã phản ánh kỳ vọng của thị trường về việc nguồn cung dầu thô bị suy giảm kéo dài và khả năng các quốc gia sẽ phải tăng cường tái bổ sung dự trữ dầu trong thời gian tới khi lượng tồn trữ ở mức thấp.

Các thông tin hiện cho thấy một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ như Nigeria, Angola và Kazakhstan gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác do thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực dầu khí và tình trạng bảo dưỡng các cơ sở khai thác bị đình trệ vì dịch bệnh kéo dài. Tập đoàn Tengizchevroil, hãng khai thác dầu khí lớn nhất Kazakhstan, vừa cho biết sẽ phải trì hoãn kế hoạch mở rộng khai thác trị giá 45,2 tỷ USD thêm 3 – 7 tháng nữa. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.