Giá dầu thô chịu áp lực giảm khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Nhật Bản suy yếu hơn dự báo

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô Brent chịu áp lực giảm về mức 102,86 USD/thùng sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Nhật Bản đều suy yếu trong tháng 7. Thị trường lo ngại triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ kém tích cực hơn các dự báo trước đây.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây (Đồ hoạ: Oil Price)

 

Vào lúc 11h30 sáng nay (ngày 1/8), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm 1,07% xuống mức 102,86 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 1,40% xuống còn 97,26 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại cả Trung Quốc và Nhật Bản đều suy yếu trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc chỉ đạt 50,4 điểm trong tháng 7, giảm đáng kể so với mức 51,7 điểm hồi tháng 6 và thấp hơn mức kỳ vọng của giới phân tích.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI Jibun Bank trong tháng 7 đạt 52,1 điểm - mức thấp nhất trong 10 tháng trở lại đây. Chỉ số PMI là chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất; chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại hai nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á giảm tốc khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dùng dầu thô của hai nước này sẽ yếu hơn so với các nhận định trước đây. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Chuyên gia phân tích Tina Teng thuộc hãng dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết “Chỉ số PMI sản xuất gây thất vọng của Trung Quốc là yếu tố chính đang gây áp lực lên giá dầu thô hiện nay. Dữ liệu cho thấy sự thu hẹp đáng ngạc nhiên của các hoạt động kinh tế, cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi tái phong toả vì dịch Covid-19 có thể không khả quan như các dự kiến trước đây. Điều này khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng của thị trường dầu thô kém tích cực hơn”.

Tính chung cả tháng 7 vừa qua, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI xác lập tháng giảm giá thứ hai liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, giá dầu thô thế giới có mạch giảm giá kéo dài như này. Thị trường hiện lo ngại tình trạng lạm phát tăng vọt tại nhiều nơi trên thế giới và môi trường lãi suất toàn cầu có xu hướng tăng cao sẽ khiến nhiều nền kinh tế lớn đối mặt rủi ro suy thoái, khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm xuống.

Khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích hạ dự báo mức giá trung bình trong năm nay của dầu thô Brent xuống còn 105,75 USD/thùng, dầu thô WTI còn 101,28 USD/thùng. Theo phân tích của Reuters, nếu giá dầu thô Brent mất mốc hỗ trợ 102,68 USD/thùng thì thị trường có thể xuất hiện tình trạng bán tháo, khiến giá dầu giảm sâu xuống dưới khoảng 99,52 USD – 101,26 USD/thùng.

Hiện thị trường tập trung theo dõi diễn biến phiên họp chính sách khai thác trong tháng 9 của liên minh OPEC+ dự kiến diễn ra trong ngày 3/8 tới đây. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hãng tin Reuters dẫn lời 2 trong số 8 nguồn tin từ liên minh OPEC+ cho biết OPEC+ sẽ thảo luận về việc tăng nhẹ sản lượng khai thác trong tháng 9, số nguồn tin còn lại cho biết nhiều khả năng sản lượng khai thác của OPEC+ sẽ được giữ ổn định trong thời gian tới.

Tường Vy