Giá dầu thô chịu áp lực giảm nhẹ sau chuỗi phiên tăng nóng

Giá dầu thô thế giới đã chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch cuối tuần này sau khi các dữ liệu bất ngờ cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu và dầu thô tại Hoa Kỳ tăng lên. Đồng thời, tình trạng chốt lời sau giai đoạn tăng nóng của giá dầu cũng tạo hiệu ứng tiêu cực trên thị trường.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 đã giảm 0,55% xuống mức 87,89 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2022 cũng giảm 0,48% xuống còn 85,14 USD/thùng.

Sau chuỗi tăng giá kéo dài 5 phiên giao dịch liên tiếp, giá dầu thô thế giới chịu áp lực điều chỉnh giảm nhẹ sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố các dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 14/1 đã tăng thêm 0,51 triệu thùng lên mức 413,8 triệu thùng. Đây là lần đầu tiên mức tồn trữ dầu thô thương mại theo tuần tại Hoa Kỳ tăng lên kể từ hồi tháng 11/2021 và diễn biến này ngược lại với dự báo giảm của giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu cũng cho thấy mức tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ đã chạm mức cao nhất trong vòng 11 tháng.

Giá dầu thô cũng chịu tác động từ việc một số quỹ đầu tư trên thị trường tiến hành chốt lời sau đà tăng nóng của giá dầu thô cũng như chuẩn bị cho việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ nhóm họp trong tuần sau.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần giao dịch này, giá dầu thô Brent vẫn tăng 1,6% và giá dầu thô WTI tăng 2,2%. Giá dầu thô hiện đang được nâng đỡ bởi các lo ngại thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng hơn các nhận định trước đây khi biến chủng Covid-19 Omicron dường như ít tác động hơn đến nền kinh tế toàn cầu so với các làn sóng lây nhiễm trước đây. Trong khi đó, các căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông, giữa Nga và Ukraine đang tăng lên và có thể khiến nguồn cung dầu thô bị suy giảm.

Một số nhà phân tích và ngân hàng đầu tư lớn nhận định giá dầu thô thế giới có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) thậm chí còn cảnh báo “tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn đến mức đáng ngạc nhiên”.

Goldman Sachs dự báo lượng tồn trữ dầu thô của khối OECD sẽ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa hè năm nay. Trong khi đó, mức công suất dự phòng của liên minh OPEC+ đang có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Một số hãng khai thác dầu thô lớn nhất của Nga, quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn thứ hai thế giới, cho biết đã sử dụng toàn bộ lượng công suất dự phòng để tăng thêm sản lượng trong thời gian vừa qua. Tình trạng thiếu hụt đầu tư và khó khăn kỹ thuật vì dịch Covid-19 đã khiến hoạt động khai thác các mỏ dầu mới tại Nga và một số quốc gia thuộc khối OPEC đang gặp nhiều khó khăn.

Duy Quang