Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng thời gian tới

Giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay ngày 25/5, tiệm cận mức 115 USD/thùng. Giá dầu thô đang được nâng đỡ nhờ lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi dự trữ dầu thô tại nhiều nền kinh tế chạm mức thấp kỷ lục.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 đã tăng 1,14% lên 114,86 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 tăng 1,19% lên 111,06 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, giá dầu thô Brent đạt 109,77 USD/thùng và giá dầu thô WTI đạt 113,56 USD/thùng.

Nhiều nhà phân tích nhận định giá dầu thô có thể tăng vọt trong tuần nay khi các rủi ro về thiếu hụt nguồn cung tăng cao. Cụ thể, báo cáo mới nhất của ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA, Hoa Kỳ) cảnh báo lượng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm chưng cất từ dầu thô tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ cũng như tại các quốc gia châu Á thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đã chạm mức nguy hiểm.

BofA nhấn mạnh lượng dự trữ dầu thô chiến lược của các nước thuộc tổ chức OECD có thể tiếp tục giảm mạnh trong tương lai và gây ra các cú sốc cung nghiêm trọng đến thị trường. Theo báo cáo của BofA, trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, hiện chỉ có Trung Quốc là có lượng tồn kho dầu thô đủ lớn để chống lại rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Giới quan sát cho biết trong thời gian gần đây Trung Quốc đã tích cực mua lượng lớn dầu thô mặc dù nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này đang ở mức thấp do các biện pháp phong toả kéo dài.

BofA cũng cảnh báo phần công suất dự phòng của các quốc gia khai thác dầu thô trong liên minh OPEC+ đã chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2020. Điều này đồng nghĩa với việc liên minh OPEC+ khó có thể nâng thêm sản lượng khai thác trong ngắn hạn như các mục tiêu đề ra. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Về phía nhu cầu sử dụng, giới phân tích nhận định việc Trung Quốc mạnh tay tung ra các biện pháp kích thích kinh tế có thể đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này trong năm nay tăng thêm 4% so với năm ngoái, tương đương mức tăng thêm 0,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đạt đồng thuận về việc ngưng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra thì nhu cầu đối với các nguồn dầu thô ngoài Nga sẽ tăng mạnh và có thể đẩy giá dầu thô tăng hơn nữa.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo về khả năng nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với rủi ro suy thoái khi các ngân hàng trung ương lớn đang gấp rút siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Một số nhà phân tích nhận định sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh trong ngắn hạn có thể giúp giá dầu thô Brent giữ trên mốc 110 USD/thùng trong ngắn hạn. Hiện BofA dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 102 USD/thùng trong cả năm 2022 và 2023.

Tường Vy