Giá dầu thô diễn biến trái chiều, OPEC+ dự báo thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm nay

Giá dầu thô Brent đã giảm nhẹ xuống quanh mốc 71,60 USD/thùng; trong khi đó giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ được nâng đỡ bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung từ Vịnh Mexico. Liên minh OPEC+ dự báo thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung trong cuối năm nay.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 2/8 - 2/9/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 15h00 chiều nay ngày 2/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đạt 71,64 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đạt 68,36 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 1/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm nhẹ 4 cents xuống mức 71,59 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI tăng 9 cents lên 68,59 USD/thùng. Trong phiên giao dịch này, đã có lúc giá dầu thô Brent giảm mạnh xuống chỉ còn 70,42 USD/thùng và giá dầu thô WTI chạm đáy 67,12 USD/thùng.

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết bất chấp các áp lực từ Hoa Kỳ cũng như triển vọng nhu cầu trên toàn cầu thay đổi, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đã đồng ý tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 9 – tháng 12/2021 như đã đề xuất hồi tháng 7 vừa qua. Liên minh OPEC+ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2022 sẽ tăng thêm 4,2 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 3,28 triệu thùng/ngày được dự báo trước đó.

Liên minh OPEC+ cho biết trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra một số điều không chắc chắn, những yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện và lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang tiếp tục giảm xuống.

Hãng tin Reuters (Anh) cũng dẫn lời một số nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt khoảng 0,9 triệu thùng/ngày trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi mạnh. Tuy nhiên, trong năm 2022, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng mạnh trở lại khiến tình trạng dư cung xảy ra với mức dư cung đạt 1,6 triệu thùng/ngày.

Trong giai đoạn vừa qua, Hoa Kỳ đã kêu gọi liên minh OPEC+ cần tăng mạnh sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu thô ở mức hợp lý và cho rằng việc giá dầu thô tăng quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tại Hoa Kỳ, dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ nhiên liệu của nước này trong tuần trước đã tăng thêm 1,3 triệu thùng, trái ngược lại với dự báo giảm 1,6 triệu thùng của giới phân tích. Việc số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hoa Kỳ tăng cao kỷ lục trở lại được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong những tuần tới. Bên cạnh đó, mùa hè – mùa cao điểm di chuyển tại Hoa Kỳ cũng đã kết thúc.

Trong khi đó, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh tới 7,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 3,1 triệu thùng của giới quan sát. Thị trường hiện đang tập trung quan sát việc khôi phục hoạt động lọc hoá dầu tại khu vực Vịnh Mexico sau khi siêu bão Ida đổ bộ vào tiểu bang Louisiana cuối tuần trước.

Giới phân tích dự báo nguồn cung dầu thô từ các giàn khoan ngoài khơi sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, việc tái khởi động các nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Louisiana có thể kéo dài đến vài tuần. Tiểu bang Louisiana là một trong những trung tâm lọc hoá dầu lớn nhất Hoa Kỳ.

Quang Đặng