Giá dầu thô diễn biến trái chiều, thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng trở lại

Giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ tiếp tục giảm 3,4%; trong khi đó, giá dầu thô Brent quốc tế tăng 2,3% trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ
 Bang Texas, Hoa Kỳ sẽ xem xét dự luật yêu cầu các nhà khai thác dầu thô tại bang này phải cắt giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh dư cung dầu thô ở mức cao (Ảnh: CNN)

Chốt phiên giao dịch ngày 28/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 44 cents tương ứng 3,4% xuống mức 12,34 USD/thùng; ngược lại, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 47 cents tương ứng 2,3% lên 20,46 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 27/4), giá dầu thô WTI đã giảm mạnh tới 25%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 6,8%.

Tâm lý kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại sau khi một số nền kinh tế trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19, giúp các hoạt động kinh tế được nối lại đã giúp kìm hãm đà lao dốc của giá dầu thô WTI cũng như hỗ trợ tích cực giá dầu thô Brent tăng lên.

Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã có ít nhất 16 bang xem xét việc tái khởi động các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, một số nền kinh tế như Anh hiện cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch bệnh hiện nay vẫn là điều hết sức nguy hiểm do dịch bệnh có thể bùng phát lần 2.

Trong ngày 28/4, Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 10 triệu thùng lên mức 510 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố trong ngày 29/4 (theo giờ Việt Nam). Trong tuần trước, lượng tồn trữ dầu thô tại nước này đã tăng mạnh 15 triệu thùng lên 518,6 triệu thùng, gần chạm mức cao nhất lịch sử 535 triệu thùng được thiết lập hồi năm 2017.

Theo đánh giá của hãng tư vấn Kpler, các kho chứa dầu thô trên toàn cầu hiện đã đạt công suất 85% trong tuần trước. Hiện nhiều thương nhân kinh doanh dầu thô đang phải thuê các tàu chở dầu với giá cao tại Hoa Kỳ để làm chỗ chứa dầu tạm thời hoặc chuyển dầu thô sang các nước khác.

Trong tuần sau, các nhà điều hành năng lượng tại bang Texas sẽ bỏ phiếu đối với đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô tại bang nay. Texas hiện là bang có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ, chiếm 41% tổng sản lượng khai thác dầu thô của nước này.

Kể từ ngày 1/5 tới đây, thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác với quy mô 9,7 triệu thùng/ngày của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, gồm Nga sẽ được thực thi. Mức cắt giảm này tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành tập đoàn khai thác dầu thô BP Bernard Looney cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 2/2020 có thể giảm khoảng 15 triệu thùng/ngày do các hoạt động phong toả kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Hãng tin Reuters cho biết lượng cung dầu thô ra thị trường của khối OPEC trong tháng 4/2020 đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)