Giá dầu thô giảm ngày thứ 2 liên tiếp và có thể tiếp tục điều chỉnh thêm

Chốt phiên giao dịch ngày 19/2, giá dầu thô quốc tế chịu áp lực giảm ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh các hãng năng lượng tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) chuẩn bị tái khởi động các mỏ dầu sau đợt giá lạnh kỷ lục.
Giá rét tại bang Texas
Tình trạng giá lạnh bất thường đã buộc nhiều nhà máy lọc hoá dầu tại tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) ngưng hoạt động (Ảnh: AP)

Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 1,28 USD/thùng tương ứng 2,1% xuống mức 59,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 1,02 USD/thùng tương ứng 1,6% xuống còn 62,91 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 0,5% và 0,7%.

Thời tiết giá rét bất thường ở tiểu bang Texas – trung tâm khai thác dầu thô của Hoa Kỳ và khu vực phía Nam Hoa Kỳ đã khiến sản lượng khai thác dầu thô của nước này giảm tới 4 triệu thùng/ngày. Các nhà máy lọc hoá dầu tại Texas, vốn chiếm đến 20% tổng công suất lọc hoá dầu của Hoa Kỳ, đã phải ngưng hoạt động nhiều ngày liên tiếp do giá rét gây ra mất điện diện rộng và đóng băng các đường ống nhiên liệu. Tuy nhiên, các nguồn tin thị trường cho thấy các đơn vị khai thác và lọc hoá dầu sẽ tái khởi động trở lại kể từ ngày 19/2 khi nguồn điện được khôi phục trở lại.

Một số chuyên gia phân tích nhận định các yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá dầu thô đã được phản ánh vào mức giá hiện nay và giá dầu thô có thể còn tiếp tục điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

Các yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá dầu thô trong giai đoạn vừa qua gồm kỳ vọng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi sẽ giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, khả năng liên minh OPEC+ của các nước khai thác dầu thô lớn trên thế giới không vội nâng sản lượng khai thác và đợt giá lạnh nghiêm trọng bất thường tại miền Nam Hoa Kỳ.  

Trong phiên giao dịch 18/2, giá dầu thô bắt đầu chịu áp lực giảm xuống bất chấp việc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm tới 7.3 triệu thùng xuống còn 461,8 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Cũng trong ngày 18/2, giới lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết đã sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Iran để thảo luận về vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù việc quan hệ giữa Hoa Kỳ - Iran được cải thiện có thể giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, giới phân tích nhận định các lệnh trừng phát nhắm vào ngành dầu mỏ của Iran sẽ khó có thể được dỡ bỏ nhanh chóng.

Quang Đặng (Theo Reuters)