Giá dầu thô giảm nhẹ, Hoa Kỳ tăng sức ép buộc Ả-rập Xê-út nâng sản lượng khai thác

Trong phiên giao dịch sáng nay 5/4, giá dầu thô quốc tế đã giảm nhẹ. Hoa Kỳ đã gia tăng sức ép buộc Ả-rập Xê-út nâng sản lượng khai thác dầu thô. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô đang đứng trước các thách thức khi nhiều nền kinh tế lớn phải tái phong toả để ngăn làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 9h51 sáng nay (ngày 5/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 16 cents tương ứng 0,2% xuống mức 64,70 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 13 cents tương ứng 0,2% xuống còn 61,32 USD/thùng.

Trong tuần trước, giá dầu thô thế giới đã bật tăng hơn 2 USD/thùng sau khi liên minh OPEC+ đưa ra lộ trình rõ ràng về việc nâng sản lượng khai thác trong tuần tới và thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng lên sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD.

Trong ngày 1/4, Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt thoả thuận sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thô thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 5/2021, thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6/2021 và thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 7/2021.

Quyết định trên được đưa ra sau khi tân Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ bà Jennifer Granholm đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman về chính sách khai thác dầu thô và cho biết giá dầu thô nên được giữ ở “mức chấp nhận được”, qua đó cho thấy Hoa Kỳ kỳ vọng khối OPEC sẽ nâng sản lượng khai thác ở mức cao hơn.

Như vậy, tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong tháng 5/2021 sẽ chỉ ở khoảng 6,5 triệu thùng/ngày. Phần lớn sản lượng khai thác tăng thêm sẽ đến từ Ả-rập Xê-út – quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trên thế giới hiện đang gặp nhiều thách thức khi nhiều quốc gia tại Châu Âu buộc phải tái phong toả và Nhật Bản có thể phải kéo dài việc áp đặt các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Trong tuần này, giới đầu tư tập trung theo dõi diễn biến đàm phán giữa Hoa Kỳ và Iran về thoả thuận hạt nhân vốn được Iran ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015. Trước thèm phiên họp, Ngoại trưởng Iran đã cho biết Hoa Kỳ cần rút lại ngay lập tức các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc ngăn Iran xuất khẩu dầu thô thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt từng bước.

Giới quan sát nhận định nếu Hoa Kỳ và Iran đạt được những bước tiến mới về thoả thuận hạt nhân thì lượng dầu mỏ xuất khẩu trên thị trường sẽ gia tăng mạnh vào đầu năm 2022.  

Quang Đặng