Giá dầu thô giảm nhẹ, thị trường tập trung theo dõi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez

Giá dầu thô đã giảm nhẹ trong sáng nay ngày 29/3. Giới đầu tư hiện tập trung theo dõi diễn biến sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez (Ai Cập) và đánh giá tác động của sự cố này lên thị trường dầu mỏ.

Vào lúc 8h41 sáng nay (ngày 29/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 18 cents tương ứng 0,3% xuống mức 64,39 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTT) cũng giảm 22 cents tương ứng 0,4% xuống 60,75 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô đã bật tăng mạnh hơn 4% sau thông tin kênh đào Suez (Ai Cập) có thể tiếp tục bị tắc nghẽn trong vòng 10 ngày tới.

Thị trường hiện tiếp tục tập trung quan sát diễn biến sự cố siêu tàu container Ever Given mắc kẹt trong kênh đào Suez. Kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu khi có tới 10% tổng lượng dầu mỏ vận chuyển qua đường biển và 8% lượng khí LNG toàn cầu được vận chuyển qua đây.

Tắc nghẽn kênh đào Suez
Sự cố siêu tàu container Ever Given mắc kẹt trong kênh đào Suez đã kéo dài sang ngày thứ 6 và khiến hơn 320 tàu hàng bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào (Ảnh: The Times of Isarel)

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá S&P Global Platts (Anh) cho thấy hiện có hơn 320 tàu hàng các loại bị tắc nghẽn ở hai đầu lối vào kênh đào Suez. Trong đó, có ít nhất 28 tàu chở dầu thô chứa khoảng 26 triệu thùng dầu và 24 tàu chở tổng cộng 1 triệu tấn các sản phẩm lọc hoá dầu chờ để được đi qua kênh đào này.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường tại hãng chứng khoán Axi (Hoa Kỳ), nhận định “Cứ mỗi ngày trôi qua, lượng dầu thô dồn ứ tại khu vực kênh đào sẽ ngày càng tăng lên thay vì được đưa đến các nhà máy lọc hoá dầu. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu thô trên thị trường hàng hoá vật chất trở nên ít hơn, qua đó, giá dầu thô sẽ được cân bằng trở lại”.

Giá dầu thô hiện bị chi phối chủ yếu bởi tác động của sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez với triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Trong nửa đầu tuần trước, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm mạnh khi hàng loạt quốc gia Châu Âu tái phong toả nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba, khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ giảm xuống.

Hiện thị trường kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh (gọi chung là liên minh OPEC+) sẽ tiếp tục duy trì mức sản lượng khai thác thấp như hiện nay. Liên minh OPEC+ sẽ tiến hành nhóm họp trong tuần này.

Quang Đặng