Giá dầu thô giảm phiên thứ 3 liên tiếp, thị trường lo ngại tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nền kinh tế lớn

Trong phiên giao dịch sáng nay 22/4, giá dầu thô tiếp tục giảm phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp, xuống còn 64,57 USD/thùng khi thị trường ngày càng lo ngại về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại nhiều nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Đức.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô WTI và dầu thô Brent từ ngày 22/3 đến 22/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 8h30 sáng nay (ngày 22/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục giảm 57 cents tương ứng 0,9% xuống mức 64,57 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 58 cents tương ứng 1% xuống còn 60,77 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu thô quốc tế đã bước sang phiên giao dịch giảm thứ ba liên tiếp khi thị trường ngày càng lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ không phục hồi tốt do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ và Nhật Bản, hai quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn trên thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent đã giảm mạnh 1,25 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng giảm tới 1,32 USD/thùng. Cả hai loại dầu thô này đang chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/4 tới đây; tính chung từ đầu tuần giao dịch (ngày 19/4) đến nay, giá dầu thô đã giảm 3%.

Giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng nay còn chịu áp lực giảm bởi các tin tiêu cực về tình hình tồn trữ dầu thô và các sản phẩm lọc hóa dầu tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng thêm 594.000 thùng, lên mức 493 triệu thùng. Con số này trái ngược với các dự báo và kỳ vọng của thị trường.

Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã ghi nhận tới 316.000 ca nhiễm mới Covid-19 chỉ trong ngày hôm qua, đánh dấu mức lây nhiễm cao kỷ lục của nước này kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại đây hồi năm ngoái.

Tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới, chính phủ nước này đang cân nhắc việc tái áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia tại vùng Tokyo và Osaka khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh.

Trong đầu tuần này, giá dầu thô đã được nâng đỡ bởi việc Libya bất ngờ tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng xuất dầu Hariga của nước này và cảnh báo có thể mở rộng tình trạng trên ra các cảng xuất dầu khác, khiến nguồn cung dầu ra thị trường có thể giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các tin tức tiêu cực về diễn biến của đại dịch Covid-19 tại nhiều nền kinh tế lớn đang ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu thô.

Thị trường hiện tập trung theo dõi diễn biến phiên họp của Uỷ ban kỹ thuật thuộc Liên minh OPEC+ trong tuần sau. Phiên họp này có thể đưa ra các đánh giá thị trường và định hướng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong thời gian tới.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết hiện khó có khả năng OPEC+ sẽ đưa ra các thay đổi lớn trong chính sách khai thác dầu thô. Trước đó, vào ngày 1/4, liên minh OPEC+ đã quyết định sẽ nâng dần sản lượng khai trở lại kể từ tháng 5 tới đây.

Quang Đặng