Giá dầu thô giảm trở lại, thị trường hoài nghi tính hiện thực thoả thuận giảm sản lượng giữa Nga và Ả-rập Xê-út

Sau khi bật tăng cao kỷ lục trong ngày hôm qua, giá dầu thô đã giảm trở lại khi thị trường hoài nghi thoả thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và Ả-rập Xê-út khó thành hiện thực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman tại một cuộc gặp ở Nga (Ảnh: Reuters)

Lúc 8h27 sáng nay (ngày 3/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 3% tương ứng 9 cents/thùng xuống còn 29,05 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 5,2% tương ứng 1,32 USD/thùng xuống mức 23,98 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (2/4), giá dầu thô đã bật tăng cao kỷ lục sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông đã giúp Ả-rập Xê-útNga đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu thô Brent đã bật tăng 21% và giá dầu thô WTI đã tăng 24,7% sau thông tin trên.

Ông Donald Trump cho biết ông đã trao đổi với cả Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin và mong muốn tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của hai nước sẽ đạt từ 10 triệu – 15 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, khi trả lời trước giới báo chí vào cuối ngày 2/4, ông Donald Trump cho biết ông không đưa ra bất kỳ đề xuất nào về việc Hoa Kỳ sẽ cắt giảm sản lượng khi trao đổi với Ả-rập Xê-út và Nga.

Việc giá dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay phản ánh sự hoài nghi của thị trường về việc liệu thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác giữa Ả-rập Xê-út và Nga có thành hiện thực hay không, khi mà các nước khai thác dầu thô khác, bao gồm Hoa Kỳ không tham gia thoả thuận này.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) nhận định “Cả Ả-rập Xê-út và Nga đề muốn các nhà khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác và điều này có thể trở thành trở ngại lớn nhất cho việc hiện thực hoá thoả thuận này”.

Giới phân tích cũng nhận định ngay cả khi Ả-rập Xê-út và Nga đồng ý cùng cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao nhất là 15 triệu thùng/ngày thì mức cắt giảm này vẫn không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm ít nhất 20% tương đương 20 triệu thùng/ngày trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ. Trong khi đó, hãng giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới Vitol nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2020 sẽ giảm khoảng 30% tương đương 30 triệu thùng/ngày.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược toàn cầu tại hãng chứng khoán AxiCorp, nhận định nếu thoả thuận cắt giảm giữa Ả-rập Xê-út và Nga thành hiện thực thì mức sàn của giá dầu thô WTI sẽ được thiết lập ở khoảng 30 USD/thùng.

Hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang khiến tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ lên tới 25 triệu thùng/ngày và việc cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 10 triệu thùng/ngày sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trong việc thiếu hụt kho chứa dầu.

Ông Per Magnus Nysveen, trưởng ban phân tích của Rystad Energy, cảnh báo “Việc thiếu hụt kho chứa dầu sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của thị trường dầu thô”.

Quang Đặng (Theo Reuters)