Giá dầu thô giảm tuần thứ 3 liên tiếp, thị trường lo ngại nguồn cung tăng

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent giảm gần 3%, xác lập tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ liên minh OPEC+ tăng lên và nhu cầu sử dụng sẽ chịu tác động tiêu cực từ sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 16/6 - 17/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 16/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng nhẹ 0,2% lên 73,59 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,2% đạt 71,81 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm gần 3% và giá dầu thô WTI giảm gần 4%; xác lập tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp. Đây là mạch giảm giá dầu thô dài nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong tuần vừa qua, giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ tăng lên sau khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út đạt đồng thuận về việc nâng sản lượng khai thác, mở đường cho việc liên minh OPEC+ gia tăng sản lượng trong thời gian tới. Các nguồn tin cho biết khả năng cao UAE sẽ được nâng sản lượng khai thác như những gì nước này yêu cầu trong phiên họp của liên minh OPEC+ hồi đầu tháng 7/2021.  

Đồng thời, việc đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng xấu.

Bên cạnh đó, giới quan sát cảnh báo việc UAE được nâng sản lượng khai thác có thể khiến các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ cũng yêu cầu được nâng sản lượng khai thác thay vì chịu áp đặt mức sản lượng thấp như hiện nay. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Ông Bob Yawger, giám đốc thị trường năng lượng kỳ hạn tại hãng chứng khoán Mizuho (Hoa Kỳ), nhận định “Việc liên minh OPEC+ càng trì hoãn việc nhóm họp nhằm thông qua kế hoạch nâng sản lượng khai thác mới thì càng chứng tỏ các quốc gia thành viên đang muốn được nâng mức sản lượng khai thác”. Theo ông Bob Yawger, Iraq cũng đang muốn được nâng hạn ngạch khai thác như UAE.

Giới phân tích nhận định việc UAE kiên quyết đòi nâng sản lượng phản ánh sự bất đồng trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia sau thời gian dài cắt giảm mạnh sản lượng khai thác với việc cân bằng giá dầu thô khi nhu cầu toàn cầu bùng nổ trở lại. Đây cũng là phép thử lớn đối với Ả-rập Xê-út trong việc duy trì sự đoàn kết vốn lỏng lẻo trong liên minh OPEC+ để kiểm soát thị trường dầu mỏ.

Việc giá dầu thô liên tục tăng cao trong những tháng gần đây đã kích thích nhiều hãng năng lượng tại Hoa Kỳ mở rộng khai thác. Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô đang hoạt động tại Hoa Kỳ tăng thêm 2 giàn khoan, đạt 380 giàn khoan trong tuần này. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 và là chỉ báo cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong tương lai.

Quang Đặng