Giá dầu thô hôm nay 22/6: Giá dầu Brent điều chỉnh, thị trường tập trung theo dõi nguồn cung dầu từ Nga

Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 22/6), giá dầu thô Brent chịu áp lực điều chỉnh giảm trở lại, xuống còn 113,3 USD/thùng. Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung sẽ còn diễn ra trong ngắn hạn. Dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu thô từ Nga đến châu Á đang tăng vọt trong thời gian gần đây.
Diễn biến giá dầu thô Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 8h00 sáng nay ngày 22/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm 1,20% xuống mức 113,30 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 tăng gần 1% lên 110,65 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/6, giá dầu thô Brent tăng 0,5% lên 114,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 7/2022 tăng 1% lên 110,65 USD/thùng; hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 7/2022 cũng hết hạn trong phiên giao dịch này. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 8/2022 chốt phiên tăng 1,4% lên 109,52 USD/thùng.

Sau phiên điều chỉnh mạnh vào cuối tuần trước, giá dầu thô thế giới đã bật tăng trở lại trong 2 phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường tiếp tục lo ngại về tình trạng căng thẳng nguồn cung. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Trong ngắn hạn, tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vẫn ở mức rất cao và thị trường đang ngày càng lo ngại hơn về việc phương Tây sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn đang ở mức cao.”

Hiện thị trường tập trung theo dõi diễn biến nguồn cung dầu trên toàn cầu, đặc biệt là nguồn cung từ Nga. Các dữ liệu mới nhất từ tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cho thấy Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu tới 2,06 triệu thùng dầu/ngày từ Nga trong tháng 5 vừa qua, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu sơ bộ của hãng nghiên cứu thị trường Kpler (Singapore) cũng cho thấy Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang khu vực châu Á nhằm thay thế thị trường châu Âu truyền thống. Xuất khẩu dầu của Nga đến châu Á qua đường biển hiện cao gần gấp 7 lần so với hồi đầu năm nay.

Ông Warren Patterson, trưởng ban chiến lược thị trường hàng hoá tại ING, cho biết “Thực tế cho thấy việc dầu thô Nga có giá rẻ trở nên quá hấp dẫn đối với các khách hàng Trung Quốc. Về lý thuyết, dầu thô của Nga càng được chuyển nhiều đến các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thì thị trường dầu mỏ toàn cầu càng dễ dàng đối phó với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển của Liên minh châu Âu.”

Thị trường hiện cũng theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ tăng lên. Dữ liệu cho thấy trong vòng 7 tuần qua, tổng số giàn khoan khai thác dầu tại Hoa Kỳ đã tăng lên mức 740 giàn khoan. Dữ liệu chính thức về nguồn cung xăng dầu và dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố trong thứ Năm tuần này (theo giờ địa phương).

Ông Alex Kuptsikevich, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tài chính FxPro (Hoa Kỳ), cảnh báo giá dầu thô có thể sẽ điều chỉnh về mức 100 USD, thậm chí 90 USDt/thùng trong những tuần tới nếu như thị trường đón nhận những thông tin tiêu cực về nền kinh tế toàn cầu, gây bất ngờ cho thị trường hoặc do thị trường chứng khoán giảm mạnh. Tuy nhiên, ông Alex Kuptsikevich cũng nhận định giá dầu thô Brent sẽ chủ yếu dao động trong khoảng từ 90 USD – 120 USD/thùng từ nay cho đến cuối năm 20203.

Tường Vy