Giá dầu thô hôm nay 11/6: Giá giảm nhưng vẫn neo quanh mức cao nhất 14 năm

Giá dầu thô đã giảm xuống trong phiên giao dịch cuối tuần này khi thị trường lo ngại FED có thể tăng mạnh lãi suất khi lạm phát tại Hoa Kỳ tiếp tục ở mức cao kỷ lục. Đồng thời, việc Trung Quốc tái phong toả trở lại một số khu vực sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống.
 Diễn biến giá dầu thô Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 11/6, theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm 0,86% xuống mức 122,01 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,69% xuống còn 120,67 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent vẫn tăng hơn 2% - xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp; giá dầu thô WTI tăng 1,8% - xác lập tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp. Giá dầu thô hiện vẫn neo quanh vùng giá cao nhất trong 14 năm trở lại đây.

Giới phân tích cho biết việc giá dầu thô giảm xuống trong phiên giao dịch ngày 11/6 chủ yếu do chịu áp lực tiêu cực chung trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn hồi tháng 4 và chạm mức cao nhất kể từ nă 1981.

Số liệu này cao hơn so với dự báo của các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó, dập tắt kỳ vọng lạm phát tại Hoa Kỳ đã đạt đỉnh và sẽ tăng thêm sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Nhà kinh tế cấp cao Sal Guatieri tại tập đoàn tài chính BMO Capital Markets (Canada) nhận định, "FED có lẽ sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% tuần tới. Tuy nhiên, con số này có thể dễ dàng tăng lên nếu lạm phát tiếp tục lập đỉnh".

Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, giảm sức hấp dẫn đối với các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô. Ngoài ra, việc FED buộc phải tăng lãi suất quá nhanh và mạnh sẽ đẩy Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, rơi vào suy thoái. Đây là rủi ro được cảnh báo liên tục gần đây, một số nhà kinh tế cho rằng Hoa Kỳ sẽ suy thoái trong năm sau, kéo theo đó là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc có thể tái phong toả trở lại sau khi ghi nhận một số ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, Thượng Hải – trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc đã bắt đầu phong toả trở lại kể từ ngày 9/6, toàn bộ cư dân phải ở nhà 2 ngày và trải qua 12 ngày xét nghiệm Covid-19 nghiêm ngặt. Trước đó, Thượng Hải bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch kể từ ngày 1/6 sau hơn 2 tháng bị phong toả.

Việc Trung Quốc kéo dài thời gian phong toả sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới.

Quỳnh Trang