Giá dầu thô hôm nay 28/6: Giá dầu thô tăng lên, thị trường lo ngại phương Tây siết chặt trừng phạt với dầu Nga

Giá dầu thô Brent đã tăng đáng kể trong phiên giao dịch sáng nay ngày 28/6, lên mức 116,6 USD/thùng. Thị trường hiện lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ trở nên trầm trọng hơn khi phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 28/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 tăng 1,42% lên 116,64 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 cũng tăng 1,27% lên 110,96 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent tăng 1,74% lên 115,09 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 1,8% lên 109,57 USD/thùng. Giá dầu thô đi lên trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư chờ đợi những thông tin từ hội nghị thượng đỉnh G7 Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển) đang diễn ra tại Đức.

Dự kiến lãnh đạo các quốc gia G7 sẽ thảo luận về các phương án đối phó với việc giá năng lượng tăng vọt trên toàn cầu và giải pháp thay thế năng lượng của Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhắm vào Nga mà không gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết nội dung bản dự thảo tuyên bố chung của G7 sẽ cam kết hỗ trợ ngoại giao, quân sự, nhân đạo và tài chính không giới hạn cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết”. Điều này có thể cho thấy giới chức phương Tây sẽ tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Các biện pháp có thể bao gồm việc đưa ra giới hạn giá đối với các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga nhằm hạn chế nguồn thu của nước này trong khi giảm thiệt hại cho các nền kinh tế khác.  

Ông Andrew Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn thị trường năng lượng Lipow Oil Associates (Hoa Kỳ), nhận định các nước phương Tây khó có thể áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã là các khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga chứ không phải là Liên minh châu Âu (EU) như trước đây.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Vivek Dhar từ Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (Australia) cảnh báo việc áp đặt giá trần và cấm nhập khẩu đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Nga sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu và nhiên liệu trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Giới quan sát nhận định nhóm G7 có thể thảo luận về việc khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân Iran. Nếu hoạt động đàm phán diễn ra thuận lợi có thể thúc đẩy một lượng lớn dầu thô từ Iran sớm được đưa ra thị trường.

Trong hai tuần gần đây, giá dầu thô đã liên tục biến động mạnh khi chịu sự chi phối giữa các luồng thông tin trái chiều, giữa lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu khi nhiều ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ và tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô.

Nhiều chuyên gia nhận định hiện lo ngại về căng thẳng nguồn cung đang lấn át lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh, dự kiến sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch nâng sản lượng khai thác đã đưa ra trước đây. Liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp định kỳ trong tuần này.

Đầu tuần này, Libya cho biết sẽ phải tạm ngưng phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ do tình trạng bất ổn chính trị tại nước này tăng cao. Đồng thời, Ecuador cũng cho biết phải ngưng hoàn toàn hoạt động khai thác dầu thô trong vòng 2 ngày khi các cuộc biểu tình tại nước này gia tăng. Libya là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 3 châu Phi và Ecuador là quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn thứ 5 tại khu vực Nam Mỹ.

Tường Vy