Giá dầu thô hôm nay 8/7: Bật tăng trở lại nhưng tâm lý thị trường tiếp tục bị chi phối bởi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 8/7), giá dầu thô thế giới đã bật tăng trở lại. Tuy nhiên, tâm lý giới đầu tư vẫn bị chi phối mạnh bởi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra trong thời gian tới và FED tiếp tục nâng mạnh lãi suất cơ bản vào cuối tháng này.
Giá dầu thô hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 8/7), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng 2,3% lên 107,02 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 2% lên 104,79 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm 4,1% và giá dầu thô WTI giảm 3,4%.

Trong tuần này, giá dầu thô bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ phiên giao dịch ngày 5/7 với việc giá dầu thô Brent mất hơn 9% - xác lập mức giảm giá theo ngày mạnh thứ ba trong lịch sử giao dịch hợp đồng dầu thô Brent kể từ năm 1988.

Tâm lý giới đầu tư hiện đang bị chi phối mạnh bởi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra trong thời gian tới khi các ngân hàng trung ương “chạy đua” siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, qua đó khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống. Đồng thời, nỗi lo suy thoái kinh tế khiến nhiều nhà đầu tư giảm vị thế nắm giữ các loại tài sản có tính rủi ro cao như các hợp đồng giao dịch dầu thô tương lai, khiến thị trường chịu áp lực bán tháo, đẩy giá dầu thô rơi xuống mức thấp.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt tại một số thành phố lớn sau khi vừa nới lỏng được vài tuần nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc có thể tiếp tục ở mức yếu. Giới chức Trung Quốc vừa cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trong cộng đồng tại thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế của Trung Quốc với hơn 25 triệu dân, ở mức “tương đối cao”. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 6. Điều này cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt và có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) củng cố thêm quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách cuối tháng này. Việc FED tiếp tục mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường hàng hoá.

Chuyên gia phân tích Phil Flynn từ hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures Group (Hoa Kỳ) cho biết “Báo cáo việc làm mới nhất (của Hoa Kỳ) là một con dao hai lưỡi đối với thị trường dầu mỏ. Số lượng việc làm tăng lên là điều tích cực về phía nhu cầu sử dụng dầu thô. Nhưng điều này cũng khiến thị trường lo ngại FED có thể quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất cơ bản”.  

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô trong những phiên giao dịch gần đây được kìm hãm phần nào bởi tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Một số nhà phân tích hiện vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giá dầu thô trong thời gian tới.

Ông Stephen Brennock, chuyên gia môi giới tại hãng môi giới giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới PVM (Anh), nhận định “Mặc dù những lo ngại về suy thoái kinh tế đã khiến giá dầu thô giảm xuống trong tuần này nhưng thị trường vẫn có những dấu hiệu tăng giá tích cực. Do tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Việc các quốc gia phương Tây cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga đang gây xáo trộn dòng chảy dầu thô trên toàn cầu. Tổ chức các nước quốc gia xuất khẩu dầu thô (OPEC) hiện gặp nhiều khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác. Trong khi đó, nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế khó có thể sớm tăng trở lại khi cuộc đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa nước này và Hoa Kỳ rơi vào bế tắc.

Tường Vy