Giá dầu thô lần đầu tiên giảm sau 7 tuần tăng liên tiếp

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã giảm 6,3% xuống còn khoảng 64,5 USD/thùng, đánh dấu tuần đầu tiên giá dầu giảm sau 7 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong bối cảnh Châu Âu khó sớm tái mở cửa nền kinh tế trở lại.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 22/2 - 19/3 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/3, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 1,25 USD tương ứng 2% lên 64,53 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,42 USD tương ứng 2,4% lên 61,42 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô quốc tế đã giảm khoảng 6,3%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 7 tuần tăng liên tiếp.

Chỉ trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu thô đã suy giảm mạnh tới 7% khi một số nền kinh tế lớn tại Châu Âu buộc phải tái phong toả diện rộng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba.

Trong đó, Pháp chính thức tái phong toả 16 tỉnh với khoảng 21 triệu người trong vòng 4 tuần kể từ ngày 19/3. Italy đã thông qua các biện pháp tăng cường mới và sẽ phong toả toàn quốc trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới (3 – 5/4) nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.

Sau khi tạm ngưng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Oxford/AstraZeneca do lo ngại các phản ứng phụ nghiêm trọng, chính phủ Đức, Pháp và một số quốc gia khác đã cho phép sử dụng loại vaccine này trở lại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng đánh giá việc tạm ngưng sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca, dù chỉ tạm thời, là động thái sai lầm và lo ngại công chúng đã mất niềm tin vào vaccine, khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Trong khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu giảm xuống thì số ca nhiễm tại Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng 29% trong hai tuần qua. Anh cho biết nước này sẽ phải giảm tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong tháng tới do nguồn cung vaccine bị thiếu hụt. Biến thể Covid-19 dễ lây lan hơn từ Anh hiện chiếm hơn 50% số trường hợp nhiễm Covid-19 tại các quốc gia thuộc EU.

Những tin tức tiêu cực về tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Châu Âu đã kích hoạt làn sóng bán tháo các hợp đồng dầu thô trong ngày 18/3. Trong phiên giao dịch hôm sau, tâm lý thị trường đã dần ổn định, giúp giá dầu thô phục hồi nhẹ trở lại.

Theo nhận định của ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao từ hãng chứng khoán Price Futures Group (Hoa Kỳ), thị trường hiện kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh các rủi ro từ đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thô sụt giảm mạnh có thể khiến các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ cân nhắc kỹ hơn việc đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới, ông Phil Flynn cho biết.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định những tin tức tiêu cực về nhu cầu sử dụng dầu thô tại khu vực Châu Âu và việc gia tăng nguồn cung từ Iran sẽ khiến việc tái lập căn bằng cung – cầu dầu thô trong quý 2/2021 trở nên khó khăn hơn. Goldman Sachs dự báo OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) sẽ có động thái phù hợp để ổn định thị trường trước những diễn biến mới.

Goldman Sachs tiếp tục dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng mạnh trong những tháng tới đây và nâng dự báo giá dầu thô Brent lên mức trung bình 80 USD/thùng trong mùa hè năm nay.

Quang Đặng