Giá dầu thô lao dốc, hàng loạt quốc gia Châu Âu tái phong toả

Giá dầu thô quốc tế lao dốc, mất hơn 6% trong phiên giao dịch ngày 23/3. Giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 60,79 USD/thùng trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ ở mức yếu khi hàng loạt quốc gia Châu Âu phải tái phong toả.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 22/3 đến 24/3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 23/3 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai sụt giảm mạnh 3,83 USD tương ứng 5,9% xuống còn 60,79 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 3,80 USD tương ứng 6,2% xuống chỉ còn 57,76 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 60,5 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 9/2/2021.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường ngày càng lo ngại việc các quốc gia Châu Âu tái áp đặt các biện pháp phong toả trở lại và việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm hơn kỳ vọng sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô.

Trong ngày 23/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông báo sẽ phong toả toàn quốc trong vòng 5 ngày dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 1/4 tới 5/4). Bà Angela Merkel cũng cho biết các biện pháp hạn chế khác trên toàn quốc sẽ được gia hạn tới ngày 18/4 nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Đức đã áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng kể từ giữa tháng 12/2020.

Trước đó, Pháp đã tái phong toả vùng thủ đô Paris và 15 tỉnh thành khác trong vòng 4 tuần kể từ ngày 19/3. Italy cũng sẽ phong toả toàn quốc trong dịp Lễ Phục sinh tới đây. Đức, Pháp và Italy là 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 3 vốn đang diễn ra tại nhiều nước Châu Âu có thể ảnh hưởng đến Anh. Đồng thời, ông Boris Johnson cho biết việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại Anh trong tháng sau có thể diễn ra chậm lại do thiếu hụt nguồn cung vaccine.

Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi các dữ liệu sơ bộ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh 2,9 triệu thùng, ngược lại với dự báo giảm 300.000 thùng của giới phân tích. Dữ liệu chính thức sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ công bố trong ngày 24/3 (theo giờ Hoa Kỳ).

Ông Bjornar Tonhaugen, trưởng ban thị trường dầu mỏ tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định “Quá trình phục hồi nhu cầu sử dụng dầu mỏ đang gặp nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Việc giá dầu thô sụt giảm mạnh lần nữa trong phiên giao dịch 23/3 cho thấy sự sụt giảm của giá dầu thô trong tuần trước chưa đủ mạnh để thị trường điều chỉnh và thị trường đã quá lạc quan về các tín hiệu, bỏ qua những rủi ro của dịch bệnh”.

Một số nhà phân tích cảnh báo dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ thực sự trên thực tế thấp hơn nhiều so với dữ liệu giao dịch dầu mỏ trên thị trường tương lai khi giá giao dịch dầu thô thực tế thấp hơn giá giao tương lai trong vài tuần trở lại đây.

Trong ngày 23/3, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Suhail al-Mazrouei cho biết liên minh OPEC+ sẽ không có ý định gia tăng sản lượng khai thác vượt quá nhu cầu của thị trường. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga, sẽ nhóm họp đưa ra kế hoạch khai thác vào ngày 1/4 tới đây.

Quang Đặng